Gỡ khó trong công tác dạy và học tiếng Anh của thầy trò vùng cao

24/10/2023, 11:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã chủ động triển khai nhiều phương án để gỡ khó trong việc dạy học tiếng Anh theo Chương trình GDPT mới.

Còn nhiều khó khăn

Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, đất canh tác thì ít, núi đá thì nhiều, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, La Chí, Hoa, Giấy, Nùng... Vì vậy, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn gặp không ít khó khăn, lĩnh vực giáo dục cũng không phải ngoại lệ.

Năm học 2022 - 2023, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, năm học 2023 - 2024 tiếp tục triển khai đối với lớp 4. Nhưng việc thiếu giáo viên tiếng Anh là khó khăn rất lớn trong việc bố trí tổ chức dạy học cho các em học sinh theo chương trình mới tại huyện Mèo Vạc.

Hiện nay, toàn huyện Mèo Vạc có 18 trường tiểu học đang triển khai học tiếng Anh cho học sinh, trong đó khối lớp 3 có 78 lớp với 2.564 học sinh, khối lớp 4 có 77 lớp với 2.559 học sinh. Năm học 2023 - 2024, toàn huyện Mèo Vạc chỉ có 03 giáo viên tiếng Anh cấp Tiểu học.

Lớp học tiếng Anh tại trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc. ảnh 1
Lớp học tiếng Anh tại trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc.

Theo ông Bùi Văn Thư, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào Tạo huyện Mèo Vạc: Số lượng giáo viên tiếng Anh của huyện đang thiếu khá nhiều; việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh còn gặp nhiều khó khăn do công tác đào tạo ở địa phương còn hạn chế. Một nguyên nhân khác là huyện Mèo Vạc là huyện vùng sâu, vùng xa nên các giáo viên mới ra trường hiếm khi lên đây để tham gia ứng tuyển”.

Ngoài việc thiếu giáo viên tiếng Anh, việc đảm bảo chất lượng chuyên môn dạy và học cũng được phòng giáo dục huyện lưu tâm. “Do tình trạng thiếu giáo viên, các thầy cô khối THCS phải kiêm nhiệm thêm việc dạy tiếng Anh cho các em học sinh khối Tiểu học. Khó khăn lớn nhất đối với các thầy cô là do đang quen dạy học ở môi trường các học sinh lớn hơn, nhận thức nhanh hơn. Bây giờ dạy cả các em nhỏ, đang độ tuổi rèn chữ, rèn nền nếp, việc truyền tải kiến thức không suôn sẻ”. Ông Bùi Văn Thư, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc chia sẻ thêm.

Bên cạnh việc thiếu giáo viên, triển khai dạy và học tiếng Anh tại các trường trên địa bàn huyện Mèo Vạc còn gặp nhiều khó khăn do các em học sinh tiểu học chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên khi phát âm tiếng Anh gặp rất nhiều trở ngại. Ngoài ra, các em còn rụt rè trong giao tiếp nên việc tiếp cận việc học tiếng Anh lại càng khó khăn hơn. Các bậc phụ huynh còn chưa thực sự quan tâm đến việc học ngoại ngữ của các em tạo nên áp lực khá lớn đến các thầy cô giáo,…

Nỗ lực để dạy học trò

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên ngoại ngữ, Phòng Giáo dục và Đào Tạo huyện Mèo Vạc đã kết nối với Trường Marie Curie – Hà Nội và được trường hỗ trợ 12 thầy cô giáo dạy học tiếng Anh trực tuyến cho 2.559 em học sinh khối 4 tại 77 lớp, dạy trực tuyến 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần.

Hình ảnh học tiếng Anh trực tuyến tại lớp học trên địa bàn huyện Mèo Vạc. ảnh 2
Hình ảnh học tiếng Anh trực tuyến tại lớp học trên địa bàn huyện Mèo Vạc.

Còn đối với học sinh khối 3, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã kết nối với nhóm Ước mơ xanh và được nhóm hỗ trợ 11 thầy cô giáo dạy học tiếng Anh trực tuyến cho 48 lớp của 10 trường. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng đã cử 16 thầy cô giáo dạy học trực tuyến cho 16 lớp của 4 trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc.

Ông Bùi Văn Thư, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc cho biết: “Chương trình hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã giúp địa phương giải quyết khó khăn về việc thiếu giáo viên, nâng cao khả năng tiếng Anh cho học sinh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo việc dạy và học tiếng Anh được tốt, ngành Giáo dục huyện Mèo Vạc đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang tiếp tục kêu gọi, kết nối với các đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ giáo viên tiếng Anh giảng dạy cho các trường học trên địa bàn huyện trong năm học 2023 - 2024 và các năm học tiếp theo. Hỗ trợ huyện về công tác giáo dục đối với các cấp học nói chung và tiếng Anh nói riêng. Sớm tham mưu cho tỉnh Hà Giang có quy định về chế độ cho giáo viên dạy học các lớp trực tuyến và giáo viên trợ giảng.

Các cơ quan, đơn vị hỗ trợ trang thiết bị học tiếng Anh cho các trường Tiểu học huyện Mèo Vạc. ảnh 3
Các cơ quan, đơn vị hỗ trợ trang thiết bị học tiếng Anh cho các trường Tiểu học huyện Mèo Vạc.

Ngoài ra, Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc kiến nghị với UBND huyện tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất tại các điểm trường chính để chuyển học sinh từ các điểm trường lẻ về trường chính nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Hỗ trợ kinh phí để chi trả cho giáo viên làm thêm giờ, tài khoản phục phụ phòng học trực tuyến,…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ khó trong công tác dạy và học tiếng Anh của thầy trò vùng cao