Với phương án thi Tốt nghiệp từ năm 2025, GS Đỗ Đức Thái cũng cho rằng, đổi mới thi cử, công nhận tốt nghiệp vẫn cần triển khai theo hướng gọn nhẹ , giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
GS Đỗ Đức Thái Đề xuất môn thi tốt nghiệp: Đối với môn bắt buộc, phương án 1 gồm: Toán, Ngữ văn; phương án 2 gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Ngoài ra, đối với môn tự chọn, học sinh sẽ chọn hai môn học sở trường từ những môn học được giảng dạy ở bậc THPT.
Ngoài ra, phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT phải trực tiếp góp phần quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh phát triển toàn diện năng lực phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân. Đánh giá giáo dục, trong đó có thi tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp THPT là khâu cuối cùng trong cả tiến trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.
Điều đó có nghĩa là đánh giá giáo dục phải tuân thủ nguyên lý “học gì thi nấy”; không để xảy ra kiểu đánh giá giáo dục tiểu tiết, chi phối mục tiêu giáo dục; tức không để xảy ra việc “thi gì, học nấy”.
Với mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Thái cho rằng, cần tạo dựng niềm tin cho học sinh và cha mẹ học sinh về giá trị, học vấn của môn học đó mang lại cho cuộc đời học sinh sau này. Từ đó động viên, lôi cuốn học sinh vào môn học. Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học của mỗi môn học. Để đạt được điều đó không thể dùng biện pháp hành chính, bắt buộc thi môn học để buộc học sinh phải học môn học đó.
Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, triển khai phương án, nhiệm vụ thi năm 2024, Bộ GD&ĐT dự kiến kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bao gồm 11 môn : Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học. Trong đó có môn bắt buộc và môn lựa chọn.
Trong đó, môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Trước đó, các Sở GD&ĐT các địa phương đã khảo sát ý kiến giáo viên, trường THPT 2 phương án thi tốt nghiệp gồm 3 hoặc 4 môn bắt buộc và các môn tự chọn.
Cụ thể, phương án 1: học sinh thi bốn môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử; hai môn tự chọn từ các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; hai môn tự chọn trong số các môn Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Thời điểm này Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc lấy ý kiến các chuyên gia, 63 Sở GD&ĐT. Hiện đơn vị đang tiếp tục xin ý kiến các ban, ngành liên quan để hoàn thiện phương án trước khi trình lên Chính phủ.
Về phương án thi từ năm 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý các địa phương trong việc chuẩn bị tâm thế cho học sinh để các em không quá lo lắng. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai hoàn thiện phương án, làm kỹ lưỡng với phương châm: gọn nhẹ, không căng thẳng, áp lực, không gây tốn kém, có lộ trình, có đổi mới nhưng có kế thừa, tiếp thu.