GS Trương Nguyện Thành đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho tất cả thí sinh thi đợt 2

PV | 22/07/2021, 06:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo GS Trương Nguyện Thành, nên xét đặc cách tốt nghiệp cho hơn 26.000 thí sinh. Việc không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 là phương án mà cái giá phải trả ít hơn trong hoàn cảnh hiện tại.

Bộ GD&ĐT đã chốt thời gian tổ chức đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT vào các ngày 6 và 7/8 cho hơn 26.000 TS ở 42 tỉnh, thành phố chưa dự thi đợt 1, có nguyện vọng tham dự đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là các thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 và các TS ở địa bàn cách ly, phong tỏa do ảnh hưởng của dịch Covid-19.



gs-truong-nguyen-thanh.jpeg
GS Trương Nguyện Thành

Theo GS Trương Nguyện Thành, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, chúng ta đã đạt được con số gần 98% thí sinh, chỉ còn lại khoảng 2% chưa thi vì các thí sinh này nằm trong các khu dịch bệnh phức tạp ở thời điểm đó cho nên các em không thể thi được. Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp THPT trong quá khứ, chúng ta đã có lượng đỗ tốt nghiệp lên đến 98%, nghĩa là gần như 100 % các em sẽ đỗ tốt nghiệp THPT.

Như vậy, mục tiêu chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tôi là để xin vào đại học, chứ không phải để có cái bằng THPT (vì hầu như ai cũng có thể có cái bằng này).

Đó là "tấm vé thông hành" để các em nộp đơn vào các trường đại học, nhất là một số đại học có tiếng; ví dụ như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên. Nhóm trường top thường sẽ có điểm chuẩn đầu vào cao hơn trung bình và điểm chuẩn của một số ngành cao hơn nhiều so với điểm sàn chung. Khi có điểm thi THPT cao, các em sẽ dễ dàng nộp vào các trường đại học đó.

Hiện tại, trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp nếu tiếp tục tổ chức thi đợt 2 sẽ dấy lên rất nhiều nguy cơ lan tỏa dịch bệnh. Nghĩa là hại nhiều hơn lợi.

dac-cach-tot-nghiep-cho-thi-sinh.jpeg

“Tôi cho rằng theo quá khứ với số lượng 98% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT thì coi như là 100% các em đều đỗ. Chúng ta sẽ cấp giấy chứng nhận đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông cho tất cả các thí sinh chưa thi đợt 2 do dịch bệnh.

Bởi lẽ, mục tiêu chính của kỳ thi là để có bằng cho em xin vào đại học, nhưng nếu không có điểm tốt nghiệp THPT thì làm sao? Chúng ta có thể cho các em được phép nộp học bạ vào trong các trường đại học và các trường đại học xét tuyển theo học bạ. Đương nhiên mỗi trường đại học sẽ có những chỉ tiêu xét tuyển khác nhau. Chẳng hạn, Đại học Bách Khoa nói rằng họ chỉ có 20% chỉ tiêu xét tuyển học bạ, phải làm sao tôi đảm bảo rằng đánh giá học bạ của học sinh này có đủ chất lượng đúng yêu cầu?

Theo tôi, với băn khoăn đó, trường đại học có quyền tự chủ xét tuyển học bạ cho những em học sinh không có bằng tốt nghiệp THPT lần này do dịch bệnh. Trường có thể dựa vào học bạ và dựa vào một số điều kiện khác nữa. Mà một số điều kiện đó có thể do từng trường đại học quy định. Chẳng hạn, các trường top với đầu vào khó như Bách Khoa hay Đại học Y vẫn còn nghi ngờ học bạ của các em thì có thể tổ chức đánh giá riêng nếu cần thiết”, GS Trương Nguyện Thành cho hay.

Về sự công bằng giữa thí sinh thi đợt 1 và đề xuất xét tốt nghiệp tất cả thí sinh thi đợt 2, GS Trương Nguyện Thành nhận định: “Cuộc đời không có cái gì là công bằng tuyệt đối. Vào đại học, quan trọng là học sinh đó có học được hay không. Nếu như em không đủ giỏi thì cũng không tốt nghiệp ra trường được. Ở hoàn cảnh hiện tại, chúng ta phải chấp nhận điều kiện và theo tôi, việc không tổ chức kỳ thi đợt 2 là giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại”.

Bài liên quan
Nhiều địa phương cơ bản đã chấm xong thi tốt nghiệp THPT 2021
Chiều 19/7, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cùng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có cuộc họp trực tuyến với 11 tỉnh/thành phố nhằm kiểm tra công tác chấm thi đợt 1.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
GS Trương Nguyện Thành đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho tất cả thí sinh thi đợt 2