Chung nguyện vọng, cô giáo Y Siêu (Kon Tum) cho rằng, nếu người có trình độ cao đẳng được tuyển dụng sẽ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Bên cạnh đó, giảm tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo chất lượng giáo dục. Cô Y Siêu mong những giáo viên được tuyển dụng sẽ tham gia lộ trình nâng chuẩn trình độ để đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục 2019.
Cô Y Siêu đề xuất nên có chính sách đào tạo giáo viên tốt nghiệp cao đẳng nâng cao trình độ và học thêm văn bằng 2 những môn còn thiếu; cần quan tâm, có thêm nhiều chế độ để thầy, cô không phải đi làm thêm mà chỉ tập trung vào công việc dạy học.
Thầy Cầm Văn Chính - giáo viên hợp đồng tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà. Ảnh: Hà Thuận |
Từ năm học 2020 - 2021, trước tình trạng thiếu và “trắng” giáo viên tiếng Anh, Tin học, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có đề án Dạy học môn Ngoại ngữ, Tin học cấp tiểu học trên địa bàn đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Thời điểm đó, Kỳ Sơn chỉ có 9 giáo viên tiếng Anh và 5 giáo viên Tin học trên tổng số 33 trường có học sinh tiểu học.
Đề án cũng đưa ra mục tiêu chuẩn bị nguồn nhân lực để đảm bảo đủ số lượng giáo viên tiếng Anh, Tin học. Cụ thể tuyển dụng và bổ sung 31 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn B2 và 37 giáo viên Tin học.
Thực hiện đề án trên, những năm qua, huyện vùng cao này liên tục đăng tin tuyển dụng, song chưa năm nào có số hồ sơ đăng ký đủ chỉ tiêu được giao. Theo ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, gần đây nhất, huyện tuyển 10 chỉ tiêu giáo viên tiếng Anh, nhưng chỉ có 2 hồ sơ ứng tuyển.
Tương tự, môn Tin học có duy nhất giáo viên xét tuyển/8 chỉ tiêu. Để thu hút giáo viên, địa phương đã chủ động xin hạ chuẩn, hoặc được tuyển giáo viên có bằng cấp chuyên môn tiếng Anh, Tin học, có thể bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sau đó.
Khó khăn nhất của Kỳ Sơn và các huyện miền núi cao Nghệ An là nguồn tuyển, tiếp đến là chuẩn đào tạo. Đề xuất của Bộ GD&ĐT về hạ chuẩn giáo viên một số môn Tin học, Ngoại ngữ, môn năng khiếu hoặc môn mới đáp ứng Chương trình GDPT 2018 là kịp thời và hỗ trợ nhiều cho địa phương vùng khó. Với huyện Kỳ Sơn, ngành Giáo dục mong muốn sẽ thu hút được giáo viên không chỉ tại địa phương mà ở các tỉnh khác về dự tuyển khi đáp ứng điều kiện tuyển dụng.
Tỉnh Nghệ An đang tồn đọng một số giáo viên hợp đồng lâu năm, có trình độ đào tạo ban đầu là cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên đến nay, hầu hết đã tự học liên thông đại học, chuẩn hóa trình độ theo Luật Giáo dục 2019. Cách đây 2 năm, thầy Lương Quốc Cường là 1 trong 2 giáo viên hợp đồng lâu năm còn lại của huyện Quế Phong chưa đạt chuẩn trình độ đại học.
Thầy Lương Quốc Cường tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và dạy môn Tin học tại Trường Tiểu học Kim Sơn. Tuy nhiên, đến nay, thầy đã được vào biên chế sau khi tốt nghiệp đại học. Theo ông Lữ Thanh Hà – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quế Phong, khó khăn nhất là thiếu giáo viên môn Tin học, Ngoại ngữ do không có nguồn tuyển.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT Nghệ An) thông tin, giáo viên trên địa bàn tỉnh kể cả trong biên chế hay đang hợp đồng hầu hết đạt chuẩn, trên chuẩn. Chỉ một số huyện miền núi cao có nhiều giáo viên – chủ yếu cấp tiểu học, đã nhiều tuổi vẫn có trình độ cao đẳng sư phạm. Những người này đã và đang học chuẩn hóa bằng cấp.
Cùng đó, nhiều môn năng khiếu, đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật… trên địa bàn tỉnh chỉ có Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đào tạo, vì vậy, nhiều giáo viên tốt nghiệp từ trường này. Còn với các môn khác, tại Nghệ An và các tỉnh lân cận có trường đại học sư phạm đào tạo, nguồn tuyển dụng giáo viên đạt chuẩn khá dồi dào.
Tuy nhiên, nếu xét tổng thể trên cả nước, việc hạ chuẩn sẽ là cơ hội cho các địa phương đang thiếu giáo viên có thể mở rộng nguồn tuyển với ứng viên đến từ nhiều tỉnh, thành khác. Từ đó đáp ứng đội ngũ dạy học Chương trình GDPT 2018.
Chủ trương cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018 hoàn toàn hợp lý. Luật Giáo dục 2019 đến nay đã thực thi gần 4 năm; từ đó đến nay, số sinh viên cao đẳng sư phạm sau khi tốt nghiệp, vì không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng theo quy định mới, phần lớn đã tìm việc làm khác để ổn định cuộc sống, số còn lại không nhiều. Tuy nhiên, nếu sinh viên nào thật sự yêu thích, muốn được cống hiến, phục vụ trong ngành Giáo dục, nay có thể quay về.