Ngày 12/4, Câu lạc bộ cán bộ quản lý các trường mầm non, phổ thông tư thục thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lần thứ nhất năm 2025.
Hội nghị tập trung thảo luận nhằm làm rõ thực trạng cũng như các giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đầu cấp; triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm ở các trường tư thục.
Trong kỳ khảo sát toàn thành phố vừa qua, khối trường tư thục có hơn 28.000 học sinh lớp 12 tham gia. Kết quả khảo sát cho thấy nhóm học sinh đạt điểm trung bình (từ 5-6 điểm) chiếm tỷ lệ lớn nhất. Nhóm khá, giỏi tập trung ở các môn khoa học xã hội, tiếng Anh và giáo dục công dân. Một số môn có điểm tuyệt đối như Toán, Tiếng Anh, Lịch sử.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy trình độ học sinh giữa các trường tư thục chưa đồng đều; tâm lý học tập chưa ổn định, phụ thuộc đáng kể vào điều kiện gia đình và sự quan tâm của phụ huynh; nhiều học sinh có xu hướng tập trung vào các môn học lựa chọn theo nguyện vọng cá nhân, dẫn đến sự chênh lệch giữa các môn.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh nêu một số nguyên nhân khiến kết quả khảo sát chưa như mong muốn, đó là việc học sinh lớp 12 học 3 năm cấp THPT theo Chương trình GDPT 2018, nhưng ở tiểu học và THCS vẫn học Chương trình GDPT 2006.
Như vậy, các em học chương trình mới cùng với sự đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá với cách học cũ, tư duy cũ nên còn những hạn chế trước yêu cầu đánh giá năng lực.
Nêu những vấn đề liên quan đến việc triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT với các trường tư thục, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, nhà trường tổ chức cho tất cả giáo viên ký cam kết không dạy thêm không đúng quy định; nhà trường có ban kiểm định chất lượng giáo dục theo dõi việc thực hiện cam kết.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thông tin về những kết quả nổi bật của toàn ngành từ đầu năm học đến nay, nổi bật là 6/6 đề tài của học sinh tham dự cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đều đoạt giải, 1 đề tài được chọn tham dự cuộc thi cấp quốc tế; 4 học sinh thành phố được chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế năm 2025.
Đánh giá cao vai trò, sự nỗ lực của các trường tư thục đối với kết quả chung, đặc biệt trong việc đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh thành phố, ông Trần Thế Cương cho rằng, sự đóng góp của các trường tư thục rất quan trọng đối với sự phát triển chung của toàn ngành.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cũng nêu những khó khăn, thách thức trước mắt và lâu dài đối với toàn ngành, trong đó có khối trường tư thục; gợi mở nhiều vấn đề, giải pháp để giáo dục Thủ đô ngày càng phát triển.