Người dân khi đi qua không khỏi ngạc nhiên trước thiết kế của cây cầu này. "Ngày nào tôi cũng đón khách ở đây, nhìn lối đi kia bao lâu tôi vẫn chưa hiểu thiết kế hướng xuống khu vực lùm cây kia để làm gì"- anh Nguyễn Đăng Quang (27 tuổi, Đình Thôn) cho hay.
Theo như nhiều người dân phản ánh, phần lối đi ở khu vực này hết sức vô lý. "Tôi chẳng thấy ai leo lên cầu vượt rồi lại đi xuống bãi cỏ ở giữa dải phân cách cả, càng không có chuyện có người đi bộ lên cầu từ chỗ đó. Làm ra lối đi như thế này thực sự rất khó hiểu và gây lãng phí"- ông Nguyễn Đình Hà (55 tuổi, Nam Từ Liêm) nhận định.
Khu vực dưới chân cầu, cỏ mọc um tùm, có thể có nhiều loài động vật, côn trùng có hại đang ẩn nấp, tiềm ẩn nguy hiểm nếu có người bước xuống.
Tình trạng trơ trọi khung, lối đi đi vào lùm cây, đồng thời cách quá xa so với khu vực dân cư khiến cây cầu vượt bộ hành này sớm bị lãng quên. Lâu dần trở thành nơi xả rác thải bừa bãi, gây ra hình ảnh nhếch nhác, xấu xí.
Ở Hà Nội, hiện có khoảng 70 cây cầu vượt bộ hành đang đi vào hoạt động, nhằm tạo ra một phương án an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số công trình chưa thực sự phát huy được tác dụng, gây lãng phí và ảnh hưởng đến không gian đô thị.