Tương tự, chị Nguyễn Thanh Tâm - một môi giới nhà đất lâu năm cũng cho hay, 1 tuần trở lại đây, 2 lô đất nền tại Sơn Tây (Hà Nội) khách gửi bán từ cuối năm 2022 bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm, hỏi han. Hiện 1 lô góc đã có người cọc, lô còn lại cũng đang có vài khách “nét” muốn chốt nhưng chủ nhà vẫn chưa ưng về giá.
Chị Tâm cho hay, thực tế, 2 lô đất này sở hữu vị trí đẹp, khi ngõ trước mặt rộng hơn 4 mét, lô đất vuông vắn, nhưng do diện tích lớn, Hà Nội siết quy định phân lô, tách thửa, không chia tách được, nên người ở thực thì không đủ tiền để mua, còn nhà đầu tư thì cũng biết rõ nếu không tách được sẽ mắc kẹt, nên cũng không ai vào.
“ Khi quy định phân lô, tách thửa được cởi trói, lô đất được chia tách thành 2 lô, nên việc bán dễ dàng hơn ”, chị Tâm chia sẻ.
Ông Đào Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển nhà vườn TAT cho biết, việc siết phân lô, tách thửa từ đầu năm 2022 đã làm ảnh hưởng đến tiến độ ra sổ đỏ cho khách hàng. Dự án của công ty ông thông thường sẽ ra sổ đỏ cho khách hàng ngay sau khi ký hợp đồng mua bán. Nhưng từ năm ngoái đến nay việc ra sổ đỏ khó khăn do quy định tạm dừng phân lô, tách thửa.
“ Quy định cởi trói cho phân lô, tách thửa của Hà Nội vừa qua sẽ giúp thị trường bất động sản có thanh khoản. Những dự án đầy đủ pháp lý sẽ thực hiện được đúng cam kết về sổ đỏ với khách hàng ”, ông Đào Anh Tuấn chia sẻ.
Ông Đỗ Quý Duy, người sáng lập Câu lạc bộ Nhà đầu tư bất động sản NAC cũng cho biết, việc cho phép tách thửa trở lại sẽ giúp các khu vực trước đó rầm rộ phân lô tách thửa phục hồi một phần thanh khoản. Tuy nhiên, để “nóng sốt” trong giai đoạn hiện nay là điều khó.
“ Dù được tách thửa trở lại nhưng hiện nay mức giá phải hợp lý người mua mới sẵn sàng xuống tiền. Theo tôi sẽ chỉ giúp thanh khoản cao hơn so với 6 tháng trước nhưng mức giá phải điều chỉnh ”, ông Duy nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội – cũng cho rằng, dù được tách thửa trở lại nhưng hiện nay mức giá phải hợp lý, người mua mới sẵn sàng xuống tiền. Theo ông Điệp, việc này sẽ chỉ giúp thanh khoản cao hơn so với 6 tháng trước nhưng mức giá phải điều chỉnh.
Mới đây, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, đề nghị kiểm tra, xử lý Công văn số 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa .
Theo Bộ Tư pháp, tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Do đó, yêu cầu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội không đảm bảo cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền. Đồng thời, có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Chính vì vậy, ngày 26/4, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội ban hành văn bản số 2869 về việc bãi bỏ văn bản 1685. Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chỉnh tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.