Chỉ thị yêu cầu Sở GD&ĐT phối hợp với các ban, ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh kiểm soát được, nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cấp tiểu học, phổ thông, giáo dục thường xuyên để hoàn thành kế hoạch năm học, đảm bảo chất lượng giáo dục, không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ mầm non, mà kết nối với gia đình, trẻ em qua hoạt động truyền thông, hướng dẫn phụ huynh/người chăm sóc trẻ thực hiện các chế độ dinh dưỡng khoa học, tổ chức cho trẻ vui chơi tại nhà.
UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo quan tâm hơn đến việc tập huấn đội ngũ giáo viên có kỹ năng cần thiết để dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa, xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học.
Sở GD&ĐT Hà Nội có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các ban, ngành xây dựng cơ chế và chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học mới.
Trong chiều 20/9, tại cuộc họp báo thông tin về thực hiện phòng chống Covid-19, ông Nguyễn Văn Phong - phó bí thư Thành ủy Hà Nội - cũng cho biết sẽ cân nhắc để học sinh trở lại trường học vào đầu tháng 11/2021.
Theo ông Phong, đây là thời điểm Hà Nội dự kiến tiêm phủ vắc xin Covid-19 mũi 2 cho người dân. Hiện Hà Nội đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 94,2% mũi 1 với người trên 18 tuổi, nhưng trạng thái thành phố vẫn chưa thể về "bình thường mới", vì mũi 2 mới đạt tỉ lệ 12%, trong khi Bộ Y tế quy định, muốn trở về "bình thường mới", phải trên 70% mũi 1 và trên 20% mũi 2.