Hà Nội: Huyện Đan Phượng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học

Khôi Nguyên | 23/08/2022, 10:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong thời gian qua, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã tập trung đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập của thầy trò các nhà trường trên địa bàn. 

Những kết quả đáng khích lệ

Sáng 23/8, Ngành Giáo dục và đào tạo huyện Đan Phượng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Tới dự có đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội; lãnh đạo các ban ngành huyện Đan Phượng cùng đông đảo cán bộ, giáo viên trên địa bàn huyện.

Báo cáo tại chương trình, bà Bùi Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng cho biết, hiện nay toàn huyện có 54 trường công lập với 1.058 lớp và 39.479 học sinh; 32 nhóm trẻ độc lập, tư thục.

Hà Nội: Huyện Đan Phượng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học ảnh 1

Trẻ tại Trường Mầm non Tân Hội A hân hoan trong ngày trở lại trường học trực tiếp sau nhiều tháng nghỉ dịch.

Trong thời gian qua, các giáo viên mầm non đã rất nỗ lực để xây dựng các video hướng dẫn bài học cho trẻ trong thời gian nghỉ dịch. Lúc học sinh được đi học trở lại, các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để đồng hành với trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về tư duy và thể chất. Với cấp tiểu học và THCS cũng có những sáng tạo trong công tác giảng dạy.

Cũng theo bà Bùi Thị Thu Hằng, công tác bồi dưỡng học sinh lớp 9 ôn thi vào lớp 10 được triển khai quyết liệt, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và tổ chức khảo sát chéo 2 đợt ở 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Từ đó các trường có căn cứ điều chỉnh kế hoạch ôn tập phù hợp. Kết quả điểm trung bình các môn thi vào lớp 10 THPT đều cao hơn năm học trước.

Hà Nội: Huyện Đan Phượng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học ảnh 2

Bà Bùi Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT nêu bật một số thành tựu của ngành giáo dục huyện Đan Phượng trong năm học 2021-2022.

Việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6 được triển khai nghiêm túc. Phòng GD&ĐT đã hướng dẫn các trường tổ chức lựa chọn SGK theo đúng quy trình, phân công đội ngũ phù hợp, rà soát trang thiết bị để tham mưu UBND huyện đầu tư. Tổ chức tập huấn về chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh; tổ chức hội thảo đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh trong quá trình thực hiện các bộ sách giáo khoa mới.

Chuẩn bị kỹ cơ sở vật chất và đội ngũ

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng cũng thông tin: Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục Đan Phượng có 2.616 cán bộ giáo viên, nhân viên (biên chế 2.488, hợp đồng 128). Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 92,2%. Công tác bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ được coi là yếu tố tiên quyết để nâng cao chất lượng giáo dục.

UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Quản lý đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện tổ chức rà soát cơ sở vật chất các trường học để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cụ thể có 11 dự án xây dựng trường mới, 31 dự án xây thêm các phòng học, phòng chức năng, 35 dự án cải tạo sửa chữa.

Hà Nội: Huyện Đan Phượng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học ảnh 3
Cô trò Trường Tiểu học Thượng Mỗ trong một giờ học trên lớp.

Trong năm học vừa qua đã đưa vào sử dụng Trường THCS Hồng Hà, THCS Thọ An, Mầm non Tân Hội B, Mầm non Phương Đình (khu La Thạch), 5 nhà giáo dục thể chất kết hợp bể bơi cố định và 10 thư viện mở, cải tạo sửa chữa 11 trường học. Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện mua sắm trang thiết bị lớp 2, lớp 6 với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng. Mua sắm trang thiết bị đối với 7 trường đề nghị công nhận mới, công nhận lại, nâng chuẩn quốc gia mức độ 2 trên 16 tỷ đồng.

"Kết thúc năm học 2021-2022, huyện có thêm 6 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, nâng số trường đạt chuẩn trong toàn ngành là 53/54 trường, đạt tỷ lệ 98,1%; trong đó có 22 trường Chuẩn quốc gia mức độ 2" - đại diện ngành Giáo dục Đan Phượng nhấn mạnh.

Những nhiệm vụ trọng tâm

Hà Nội: Huyện Đan Phượng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học ảnh 4

Thư viện ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai tại Trường THCS Lương Thế Vinh, thị trấn Phùng.

Nói về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Đan Phượng nhấn mạnh sẽ quan tâm triển khai chương trình GDPT 2018, đặc biệt là lớp 3, lớp 7; áp dụng một số mô hình giáo dục tiên tiến ở các cấp học. Kiện toàn đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Đa dạng nội dung, hình thức bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đội ngũ trong các nhà trường. Đồng thời, các nhà trường đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và công tác truyền thông trong giáo dục; tiếp tục bổ sung kho học liệu điện tử phù hợp, chất lượng và khai thác có hiệu quả.

Hà Nội: Huyện Đan Phượng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học ảnh 5

Lãnh đạo huyện Đan Phượng tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2021-2022.

"Ngành sẽ tăng cường đầu tư, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Duy trì và phát huy có hiệu quả chất lượng của các trường đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành. Hưởng ứng có hiệu quả các phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam", Trưởng Phòng GD&ĐT Đan Phượng nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo huyện Đan Phượng, Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Nam đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành giáo dục huyện trong năm học vừa qua. Trong năm học mới, ngành giáo dục cần tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhất là lực lượng giáo viên giảng dạy Chương trình GDPT mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục phục vụ dạy và học...
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Huyện Đan Phượng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học