Với những tỉnh thành đang khó khăn về dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho học sinh, giáo viên. Với những tỉnh thành này, ví dụ cụ thể như Hà Nội và TPHCM thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh của địa phương mình để đưa ra mốc thời gian tựu trường và kết thúc năm học phù hợp, ví dụ chuyển sang giữa tháng 9, thậm chí sang tháng 10. Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian kết thúc năm học sẽ không phải là 31/5 mà là 15/6. Quyết định này hoàn toàn trong thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành đó.
Trường hợp dịch quá căng thẳng, đến 15/6 chưa thể kết thúc năm học thì địa phương báo cáo Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn đặc thù cho địa phương đó, sao cho vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa có thể hoàn thành kế hoạch năm học vào thời điểm phù hợp.
Trong khi xây dựng kế hoạch thời gian năm học, các địa phương cần lưu ý các nguyên tắc: đảm bảo số tuần thực học của các cấp học; phù hợp với đặc điểm, thực tiễn địa phương; phù hợp với quy định về ngày nghỉ tết, lễ theo Luật Lao động và các hướng dẫn hàng năm; đảm bảo quy định vè ngày phép của giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục. Kế hoạch thời gian năm học phải đảm bảo đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt là trong trường phổ thông nhiều cấp học.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó quy định, thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9/2021. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23/8/2021.
Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2021; Kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022. Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30/6/2022. Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp học trước ngày 31/7/2022.