Hà Nội xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới 'học sinh nợ tiền mua hàng'

24/03/2023, 07:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau chiêu lừa 'con cấp cứu ở bệnh viện', những ngày gần đây, tại Hà Nội lại tiếp tục xuất hiện phương thức lừa đảo mới.

Một số kẻ xấu lừa phụ huynh chuyển tiền với kịch bản "con nợ tiền mua hàng". Ảnh: Vecteezy.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), cho hay thời gian gần đây, một số phụ huynh của trường nhận được cuộc gọi từ số lạ thông báo học sinh đã mua hàng hoặc đồ ăn, quần áo, vật dụng… nhưng chưa trả đủ tiền và để thẻ học sinh lại.

Đó là lý do đối tượng xấu đưa ra để yêu cầu phụ huynh gửi tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp.

Trong thông báo khẩn đã được phát đi, trường THPT Kim Liên cảnh báo các phụ huynh, học sinh đây là hiện tượng lừa đảo mới xuất hiện.

“Ban giám hiệu nhà trường đề nghị thầy cô giáo thông tin đến toàn thể phụ huynh và học sinh các lớp đề cao tinh thần cảnh giác, tránh mắc phải hiện tượng lừa đảo”, thông báo nêu.

Bà Hiền cho hay thời gian qua, kẻ xấu đã dùng rất nhiều chiêu trò để lừa đảo phụ huynh, học sinh như gọi điện thông báo con bị tai nạn phải nhập viện cấp cứu. Một số học sinh còn nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn đe dọa, gây áp lực với lý do phụ huynh nợ tiền.

Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên đề nghị phụ huynh bình tĩnh, cảnh giác trước các chiêu trò và khi có bất kỳ thông tin lạ, ngờ vực cần liên hệ với giáo viên, nhân viên của trường để xác nhận.

Liên quan đến các thủ đoạn lừa đảo, vừa qua, Bộ GD&ĐT thông tin từ đầu tháng 3/2023 đến nay, Công an TP.HCM đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo, tổng số tiền 825 triệu đồng.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT phối hợp với công an các đơn vị, địa phương phổ biến cho phụ huynh và học sinh, sinh viên biết về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, Internet và mạng xã hội. Cụ thể, một số thủ đoạn phổ biến là cho vay tiền nhanh qua ứng dụng trên điện thoại di động, sàn giao dịch tiền ảo, bán hàng đa cấp, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để lừa đảo…

Các đơn vị, nhà trường cần khẩn trương rà soát công tác bảo mật, cung cấp thông tin của học sinh, sinh viên tại các nhà trường và cơ sở giáo dục; kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật (nếu có), không để các đối tượng xấu chiếm đoạt nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự.

Đồng thời, các trường cần vận động phụ huynh, học sinh, sinh viên bị lừa đảo kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan công an để điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới 'học sinh nợ tiền mua hàng'