Nguồn tin nói thêm rằng nếu Hezbollah sử dụng vũ khí này chống các tàu chiến thù địch thì chứng tỏ xung đột đã leo thang thành một cuộc chiến tranh lớn trong khu vực.
Các quan chức Mỹ cho biết Hezbollah đã chế tạo được một loạt vũ khí ấn tượng, trong đó có cả tên lửa chống hạm. Một người nói: “Rõ ràng là chúng tôi rất chú ý đến điều đó… và chúng tôi đang xem xét nghiêm túc những năng lực mà họ có”.
Để đề phòng động thái của Hezbollah, Mỹ cũng điều tới Địa Trung Hải các vũ khí để phòng thủ tên lửa.
Lầu Năm Góc đã triển khai tàu chiến đến phía Đông Địa Trung Hải từ ngày 7/10 – ngày bùng phát xung đột Israel – Hamas.
Cũng trong bài phát biểu, ông Nasrallah cảnh báo Mỹ rằng ngăn chặn cuộc chiến lan rộng ra khu vực sẽ phụ thuộc vào ngăn chặn cuộc tấn công của Israel. Hezbollah đã giao tranh với lực lượng Israel tại biên giới Liban từ ngày 8/10, đánh dấu tình trạng leo thang nghiêm trọng nhất ở khu vực này kể từ cuộc chiến năm 2006.
Tuy nhiên, cho đến nay, Hezbollah mới chỉ sử dụng một phần kho vũ khí và bạo lực hầu như chỉ diễn ra ở khu vực biên giới.
Về sức mạnh của Yakhont, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ, tên lửa Yakhont phóng từ mặt đất tiếp cận mục tiêu ở độ cao thấp - cách mặt đất từ 10 đến 15 mét - để tránh bị phát hiện. Yakhont là một biến thể của tên lửa P-800 Oniks được phát triển lần đầu tiên vào năm 1993, được một công ty quốc phòng Nga phát triển vào năm 1999 để xuất khẩu và có thể phóng từ trên không, mặt đất hoặc từ tàu ngầm.
Khi được hỏi về thông tin nói rằng Hezbollah đã mua tên lửa Yakhont, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Trước hết, đây là tin tức chưa được xác nhận. Chúng tôi không biết liệu thông tin có đúng hay không. Thứ hai, chúng tôi không có thông tin như vậy”.
Đã chuẩn bị và sẵn sàng
Thủ lĩnh Phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah trong bài phát biểu trên truyền hình tại một địa điểm không xác định ở Liban ngày 11/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Bài phát biểu ngày 3/11 của ông Nasrallah là một trong những cảnh báo mạnh mẽ nhất dành cho Mỹ. Mỹ cáo buộc Hezbollah gây ra vụ tấn công liều chết phá hủy sở chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ ở Beirut năm 1983 khiến 241 binh sĩ thiệt mạng và gây ra vụ tấn công liều chết vào Đại sứ quán Mỹ cùng năm giết chết 63 người.
Mặc dù Hezbollah đã phủ nhận đứng sau các cuộc tấn công đó, nhưng ông Nasrallah đã gián tiếp đề cập đến các vụ này trong bài phát biểu, nói rằng những người đã đánh bại Mỹ ở Liban vào đầu những năm 1980 vẫn còn hoạt động.
Ông Nasser Qandil, một nhà phân tích chính trị người Liban, đã giải thích cách sử dụng tên lửa Yakhont để chống tàu chiến Mỹ trên kênh YouTube cá nhân. Ông mô tả tên lửa này là phần thưởng quan trọng nhất khi Hezbollah tham gia cuộc chiến ở Syria. Ông Qandil xác nhận: “Đúng vậy, Hezbollah đã chuẩn bị và sẵn sàng”.
Hezbollah luôn giữ bí mật về nguồn gốc và các loại vũ khí có trong kho của mình. Trong những bình luận hiếm hoi về chủ đề này vào năm 2021, ông Nasrallah giải thích cách mà nhóm này có tên lửa chống tăng Kornet.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình al-Mayadeen của Liban, ông cho biết Bộ Quốc phòng Syria đã mua vũ khí từ Nga để sử dụng và Hezbollah sau đó đã coi các vũ khí này là một hình thức hỗ trợ để bảo vệ Liban. Hezbollah đã sử dụng loại vũ khí này rộng rãi trong cuộc chiến năm 2006.
Theo Nga, vào năm 2010, họ đã ký một thỏa thuận gửi tên lửa hành trình chống hạm, trong đó có một phiên bản của Yakhont, tới Damascus.