Bộ GD&ĐT khẳng định không có việc trùng đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Phương Lâm. |
Ngay sau khi kết thúc bài thi môn Ngữ văn, dư luận xôn xao về việc phần Làm văn ở đề tốt nghiệp THPT 2023 trùng với đề thi thử ở Nghệ An. Không những thế, ở phần Đọc hiểu, nhiều người cũng cho rằng phần này trùng với phần nghị luận xã hội của đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội.
Trả lời thông tin trên, GS Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng ban đề thi cấp quốc gia - cho biết về cơ bản, cấu trúc đề thi năm nay giữ ổn định so với năm ngoái, đảm bảo tính công bằng và phân loại thí sinh. Nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, không ra vào các phần giảm tải.
Ông Hà thông tin năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT sử dụng phần mềm và cơ sở dữ liệu trong công tác soạn đề thi. Điều này hạn chế rất nhiều phần trùng lặp. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc dữ liệu bộ có.
Về trường hợp trùng đề thi thử của Nghệ An, ông Hà khẳng định ngữ liệu trùng nhưng câu lệnh khác nhau. Trưởng ban đề thi cấp quốc gia cho rằng đó là điều bình thường đối với môn Văn bởi chương trình học chỉ có 15 tác phẩm. Đề thi sẽ lấy ngữ liệu từ đó nên việc trùng lặp là không tránh khỏi. Bên cạnh đó, đề thi thử của Nghệ An không công bố rộng rãi. Vì vậy, bộ không có dữ liệu để đưa vào phần mềm sàng lọc.
Tương tự, về trường hợp trùng đề Hà Nội, ông Hà khẳng định đề Hà Nội là “làm chủ cảm xúc”, trong khi đó, đề thi tốt nghiệp là “cân bằng cảm xúc”.
"Lệnh hỏi của 2 đề khác nhau, đề thi tốt nghiệp cũng có lệnh hỏi cao hơn nên không phải trùng đề", ông Hà đánh giá.
Thông tin thêm về trường hợp này, ông Hà cho biết ngày 2/6, ban ra đề thi đã vào khu ra đề và được cách ly, trong khi đó, Hà Nội tổ chức thi môn Ngữ văn lớp 10 vào ngày 10/6.
"Sau khi kỳ thi diễn ra và đề thi Hà Nội được công bố, chúng tôi đã họp và thấy lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, chúng tôi giữ nguyên đề thi", ông Hà nói.
Ngoài ra, dư luận cũng cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay có cấu trúc, câu lệnh cũ, khó khích lệ sự đổi mới, sáng tạo trong dạy, học văn. Ông Hà cho biết những năm gần đây, phần Đọc hiểu đã sáng tạo, mở rộng hơn, hướng đến những nội dung liên quan đến vấn đề xã hội, thời sự, mang tính giáo dục. Như vậy, ngữ liệu Đọc hiểu đã có tính mở cao.
Riêng câu Nghị luận văn học, ông Hà cho hay hiện ngữ liệu bị ràng buộc bởi chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vì vậy, ban ra đề thi chỉ có thể làm tốt nhất trong điều kiện hiện tại. Sau năm 2024, đề thi sẽ thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, lúc đó, đề sẽ có tính mở cao.
Liên quan tới phản ánh về câu 79, mã 324, đề thi Địa lý, không có phương án đúng, đại diện ban đề thi cho biết mới chỉ nghe phản ánh của phóng viên. Đơn vị này sẽ trao đổi với bộ phận làm đề và có thông tin sau.