Không chỉ ảnh hưởng từ tỷ giá, xăng dầu, chi phí vận chuyển… thông tin cải cách tiền lương từ 1/7 cũng ảnh hưởng tới giá hàng hoá, thực phẩm tại TPHCM.
Đi chợ sáng 7/5, chị Phạm Ngọc Vân - giáo viên tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh không khỏi ngạc nhiên khi nhiều mặt hàng thiết yếu từ đường, sữa đến rau củ, thịt heo… đều tăng giá nhẹ so với thời điểm trước kỳ nghỉ 30/4-1/5.
“Tôi đi chợ thấy mỗi thứ đều tăng một ít, các mặt hàng rau cải tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, thịt lợn tăng khoảng 5.000 -10.000 đồng/kg”, chị Vân cho hay.
Theo chị Vân, không chỉ các loại rau củ, thịt, cá… tăng giá, giá trứng gà công nghiệp (vỏ đỏ) cách đây 1-2 tuần cũng được rao bán khắp các chợ dân sinh ở mức giá 18-20 nghìn đồng/chục, thì nay cũng tăng lên 22-23 nghìn đồng/chục.
“Lúc trước đi chợ, ít hành lá, vài quả ớt người bán hàng còn cho thêm. Bây giờ ớt, hành lá cũng phải mua chứ chẳng ai cho”, chị Vân nói.
Lương tăng từ 1/7 nhưng giá cả hàng hóa cũng "té nước theo mưa". (Ảnh: Quốc Hải) |
Chị Lê Thị Thanh Thúy - công nhân Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc cho biết: “Trước dịp lễ 30/4-1/5, cầm 100 nghìn đồng đi chợ có thể mua được nửa kg thịt lợn, trứng và một ít rau củ quả. Bây giờ đi chợ mua lượng thực phẩm như ngày thường thì phải chi tới 150 nghìn đồng mới đủ”, chị Thúy lo lắng.
Theo chị Thúy, cứ tình hình này có khi tháng này phải bù thêm tiền chi tiêu vào chi phí ăn uống. Chưa kể, các khoản chi cho điện nước tiêu thụ nhiều trong mùa nắng nóng cũng có giá cao hơn.
Ghi nhận của PV báo GD&TĐ, tại các khu chợ như chợ Hòa Hưng (Quận 10), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)… các loại thực phẩm thiết yếu như thịt cá, rau củ quả đều đang tăng giá nhẹ.
Theo chia sẻ của các tiểu thương, nguyên nhân tăng giá là do thời tiết nắng nóng nên nguồn cung nông sản bị ảnh hưởng, phí bảo quản, vận chuyển cũng tăng… nên đã đẩy giá thành các loại thực phẩm tăng lên theo.
Bà Huệ (tiểu thương chợ Hòa Hưng, Quận 10), cho hay, giá thịt heo sáng nay tăng thêm từ 5.000 - 6.000 đồng/kg so với hồi cuối tuần trước, do ảnh hưởng từ giá heo hơi. Ba rọi heo và sườn non heo có giá bán tương ứng với mức 135.000 đồng/kg và 169.000 đồng/kg. Thịt đùi heo thì rẻ hơn, chỉ 105.000 đồng/kg và cốt lết 115.000 đồng/kg…
“Tôi lấy thịt heo ở chợ đầu mối Hóc Môn, hôm nay giá heo mảnh nhích lên nên giá bán lẻ tăng theo”, bà Huệ nói.
Trên thực tế, ngoài nguyên nhân thực phẩm tăng giá do thời tiết nắng nóng nên nguồn cung nông sản bị ảnh hưởng, phí bảo quản, vận chuyển… thì thông tin mức lương chuẩn bị tăng cũng là nguyên nhân khiến giá cả hàng hóa lại “té nước” tăng theo.
Thực hiện cải cách tiền lương, từ 1/7, dự kiến mức lương của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với hiện nay. Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình sẽ tăng hơn 32% (khoảng 7,5 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả hàng hóa lại rục rịch tăng vài ngày gần đây, người lao động lại càng mừng ít, lo nhiều.
“Giá cả thị trường vẫn luôn chạy trước lương của người lao động. Khi lương điều chỉnh tăng 1 mà giá tăng lên 2-3 lần thì đời sống người lao động sẽ khó khăn hơn. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá để việc tăng lương đem lại nhiều ý nghĩa cho người lao động”, ông Phạm Quang Anh, CEO may mặc Dony, kiến nghị.
Liên quan đến giá cả hàng hóa đang rục rịch tăng, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TPHCM thông tin, hiện Sở Công Thương và các tỉnh, thành đã có quan hệ chặt chẽ, ngay khi có biến động căng thẳng nguồn cung, biến động giá rau củ quả sẽ thông báo về Sở Công Thương để tìm hướng giải quyết.
Theo số liệu công bố ngày 29/4 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%. Trong mức tăng 0,07% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Cụ thể, nhóm giao thông tăng cao nhất với 1,95% (làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm); Kế đến là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,27% chủ yếu do tăng giá các mặt hàng đồ dùng cá nhân (tăng 0,6%). Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 0,21%; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,12% do nhu cầu tiêu dùng một số loại cho mùa hè tăng. Tiếp theo là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%, Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,09% do thời tiết chuyển nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng. Cuối cùng là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03%. |