Chính sách giáo dục

Hàng nghìn giáo viên hơn 10 năm chưa được trả phụ cấp

29/04/2025 19:49

Hàng nghìn giáo viên chưa được trả phụ cấp dạy học sinh khuyết tật hơn 10 năm nay, do thủ tục chậm trễ từ Bộ Giáo dục đến địa phương.

Nhiều tháng nay, bà Đặng Thị Thành, 55 tuổi, cựu giáo viên trường Tiểu học Nga Thạch, huyện Nga Sơn, đôn đáo đến trường cũ và các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ, đề nghị chi trả chế độ hỗ trợ dạy học sinh khuyết tật.

"Hồ sơ chúng tôi mò mẫm làm, gửi đi song chưa có trả lời thỏa đáng, không biết đến khi nào mới được truy lĩnh chế độ", bà Thành nói. Bà cho hay nghỉ hưu năm 2020, sau hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục. Phần lớn thời gian này, bà Thành trực tiếp đứng lớp dạy các em diện hòa nhập (học chung với học sinh bình thường).

Theo Nghị định 28 năm 2012 của Chính phủ, thầy cô, cán bộ quản lý tại các trường có trẻ khuyết tật được hưởng phụ cấp ưu đãi, với mức 0,2 tiền lương một giờ dạy chính thức.

Cô giáo Thành nhẩm tính sẽ được nhận hơn 37 triệu đồng.

i1-vnexpress.vnecdn.net-2025-04-28-_hoc-sinh-khuyet-tat-1745820653-4882-1745821423.jpg
Thầy giáo Hà Văn Mòn (giữa), giáo viên trường Tiểu học Tén Tằn, thị trấn Mường Lát, nhiều năm giảng dạy học sinh khuyết tật. Ảnh:Lê Hoàng

Chưa thống kê đầy đủ, song theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nga Sơn, hàng trăm giáo viên ở hơn 80 trường học trong huyện, từ mầm non đến THCS, đều chưa nhận được phụ cấp theo Nghị định 28, suốt giai đoạn 2012-2021.

Các huyện Yên Định, Như Thanh... ghi nhận con số tương tự. Nhiều thầy cô đã về hưu song không nhận được tiền với lý do "hồ sơ không đúng chuẩn hoặc còn thiếu".

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nga Sơn, nói nguyên nhân là việc triển khai thực hiện Nghị định 28 chậm trễ.

Cụ thể, tháng 6/2012, Nghị định 28 có hiệu lực song đến năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư 03 về thủ tục, hồ sơ xét duyệt trợ cấp cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật. Bốn năm sau (năm 2022), tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn thực hiện hai văn bản trên. Thời gian chậm trễ kéo dài, ở nhiều cấp, khiến hầu hết các trường học không lập đủ hồ sơ hoặc giấy tờ có liên quan bị thất lạc, mất mát...

Theo ông Tạ Hồng Lựu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Sở đang nghiên cứu để tham mưu UBND tỉnh hướng xử lý, nhằm đảm bảo quyền lợi cho thầy cô. Những giáo viên có giấy tờ hợp lệ sẽ được truy lĩnh sớm. Những ai chưa đủ phải bổ sung, trong đó xác thực quá trình giảng dạy học sinh khuyết tật.

Trước lo lắng của nhiều giáo viên khi chính quyền cấp huyện sắp giải thể, ông Lựu cho hay chính quyền cấp xã mới thành lập và trường liên quan sẽ có trách nhiệm thụ lý, hướng dẫn, hỗ trợ thầy cô theo quy định pháp luật.

Theo VnExpress
https://vnexpress.net/hang-nghin-giao-vien-hon-10-nam-chua-duoc-tra-phu-cap-4879619.html
Copy Link
https://vnexpress.net/hang-nghin-giao-vien-hon-10-nam-chua-duoc-tra-phu-cap-4879619.html
Bài liên quan
Đón đầu việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh là yêu cầu quan trọng khi triển khai tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng nghìn giáo viên hơn 10 năm chưa được trả phụ cấp