Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Nepal là một quốc gia trẻ với 63,7% tổng dân số dưới 30 tuổi. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-29 là 19,2%, so với 2,7% của toàn bộ dân số.
Binoj Basnyat - một Thiếu tướng nghỉ hưu trong Quân đội Nepal - nói với tờ New York Times rằng: "Trong số 500.000 thanh niên tham gia thị trường việc làm mỗi năm, chỉ có 80.000 hoặc 100.000 người được tuyển dụng ở Nepal. Phần còn lại sẽ đi đâu?"
Theo Independent, quân đội Ấn Độ là một trong những nơi tuyển dụng chính đối với thanh niên Nepal, trong đó nhiều người đã rời bỏ quê hương để gia nhập các trung đoàn Gurkha của nước láng giềng.
Công việc trong quân đội từ trước đến nay được coi là một trong những công việc an toàn nhất ở Nam Á, hứa hẹn đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ lương hưu cho cuộc sống sau quân ngũ.
Vào năm 2022, Ấn Độ đã tiến hành cải cách các lực lượng vũ trang của nước này theo Kế hoạch Agnipath, đưa ra thời hạn phục vụ quân ngũ 4 năm thay vì công việc trọn đời, cắt giảm chi phí cho ngân sách quốc phòng và phúc lợi cho binh sĩ.
Quy định đột ngột thay đổi khiến việc sang Ấn Độ phục vụ quân đội cũng kém hấp dẫn hơn đối với người Gurkha. Cuộc cải cách đã gây ra căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, với việc Chính phủ Nepal phàn nàn rằng họ không được hỏi ý kiến hoặc được thông báo trước.
Các binh sĩ Trung đoàn Gurkha trong quân đội Ấn Độ diễu hành trong buổi tổng duyệt ở New Delhi, ngày 23/1/2001. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Nepal Narayan Prasad Saud nói với hãng tin BBC vào thời điểm đó rằng: "Chúng tôi có một chính sách rằng nếu có bất kỳ thay đổi nào được thực hiện đối với hiệp ước ba bên, thì nó phải được thực hiện thông qua sự đồng thuận chính trị."
Ông Saud cũng nói thêm rằng việc tuyển dụng người Gurkha sang Ấn Độ sẽ bị đình chỉ.
Theo Independent, tình hình này đã tạo ra một khoảng trống tuyển dụng. Vì vậy, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng công dân nước ngoài phục vụ một năm trong quân đội Nga sẽ được giải quyết nhanh đơn xin nhập quốc tịch Nga đầy đủ, nhiều người Nepal đã xếp hàng gia nhập.
Theo Cảnh sát Nepal, những gì được coi là cơ hội kinh doanh với người Nepal hiện đang bị tội phạm buôn người lợi dụng. Cảnh sát Nepal đã bắt giữ ít nhất 10 nghi phạm trong tuần qua vì bị cáo buộc thu số tiền lên tới 9.000 USD/người để đưa họ đến Nga bằng thị thực du lịch và giúp họ gia nhập quân đội Nga.
Bhupendra Khatri - Cảnh sát trưởng thủ đô Kathmandu của Nepal - cho biết, những người đàn ông này đã được đưa lậu vào Nga qua đường UAE.
Theo Wikipedia, "Gurkha" là thuật ngữ để chỉ về những chiến binh đến từ Nepal. Gurkha là một cộng đồng người thiểu số ở Nepal. Dân tộc này nổi tiếng với khả năng chiến đấu tinh nhuệ, dũng cảm và tính kỷ luật cao. Khoảng 200.000 người lính Gurkha đã chiến đấu cho nước Anh trong Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ 2.
Có giai thoại nói rằng, chỉ cần nhìn thấy lưỡi dao Kukri nổi tiếng của chiến binh Gurkha là kẻ thù đã sợ mất vía, quăng vũ khí bỏ chạy.
Sư đoàn Gurkha là đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Anh khi có tới 26 huy chương Victoria, thành tích mà không đơn vị nào sánh được. Khẩu hiệu hoạt động của họ là: "Thà chết còn hơn trở thành kẻ hèn nhát".
Vào năm 2011, cố Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã trao tặng huân chương Conspicuous Gallantry Cross cho trung sĩ Dipprasad Pun thuộc lực lượng Súng trường Hoàng gia Gurkha của quân đội Anh, với thành tích đơn độc chiến đấu và tiêu diệt 30 tay súng Taliban.