Thu nhập bình quân trong tháng của người lao động vì thế xuống mức thấp nhất trong vòng mười năm qua, giảm 877.000 đồng, xuống còn 5,2 triệu đồng. Lao động khu vực dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng nặng nhất khi thu nhập bình quân còn khoảng 6,2 triệu đồng, giảm một triệu đồng so với quý trước. Lao động ngành công nghiệp và xây dựng giảm 906.000 đồng, xuống còn 5,8 triệu đồng.
Ngược lại, nông lâm nghiệp và thủy sản ổn định cả về tốc độ tăng trưởng lẫn thu nhập bình quân. Đây là khu vực giảm ít nhất khoảng 340.000 đồng, đạt 3,4 triệu đồng mỗi tháng. Người làm công ăn lương thu nhập mỗi tháng còn 6 triệu đồng, giảm 795.000 đồng so với quý trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của quý này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng mười năm qua, khoảng 1,8 triệu người. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị khoảng 5,3%, cao hơn so với nông thôn, khoảng 3,9%. Điều này khác với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.
Quý này, hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động (15 đến 54 tuổi) thất nghiệp. Diễn biến phức tạp của đợt dịch cùng với thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh thành đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quý III lên mức cao nhất trong vòng mười năm, tới 3,98%. Số người có việc làm ở khu vực chính thức lẫn phi chính thức trong quý này đều sụt giảm, lần lượt gần 469.000 người và 2,9 triệu người. Hàng triệu lao động khu vực phi chính thức "không còn cơ hội tìm được việc làm", kể cả việc tạm thời.
Do diễn biến phức tạp của Covid-19, dòng lao động từ các tỉnh phía Nam về quê đã diễn ra từ đầu tháng 7 và ồ ạt hơn vào đầu tháng 10. Thống kê sơ bộ, Nghệ An khoảng 87.000 người, Hà Tĩnh khoảng 16.000, Thừa Thiên Huế 40.000, Quảng Nam hơn 6.500 người. Các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai... đón hàng nghìn lao động trở về từ ngày 5/10 đến nay.