Chiếc C-130 lên đường ra Hà Nội tối 11/10/2023, đúng mùa mưa bão ở các tỉnh miền Trung. Khi đó, đoàn xe vận chuyển, hộ tống gần mười chiếc, ngoài 5 xe đầu kéo chở bộ phận máy bay, còn có một xe tiền trạm, một xe công vụ, xe chở cán bộ hậu cần, kỹ thuật và đôi lúc có cả xe dẫn đường của lực lượng cảnh sát giao thông hoặc kiểm soát quân sự.
Quãng đường từ TP HCM ra Hà Nội khoảng 1.700km, nhưng đoàn không thể đi theo các lộ trình có sẵn mà phải lựa tuyến tránh, lộ trình khác nhau phụ thuộc điều kiện đường sá. Trước chuyến đi, đơn vị vận chuyển phải đi khảo sát, đo đạc, ghi chú tất cả chi tiết, cầu cống, biển bảng giao thông trên đường.
Đoàn tiền trạm tìm tuyến đường tránh trạm soát vé do xe quá khổ; tránh cầu không chịu được tải trọng; tính toán đường dẫn lên cầu có đủ rộng để xe cua. "Cân nhắc tất cả yếu tố, tránh trên, tránh dưới, quãng đường kéo dài đến 1.800km", ông Sơn nói.
Phức tạp nhất là khi đoàn di chuyển qua khu vực các tỉnh Tây Nguyên, nhất là tại Đăk Lăk đồi núi hiểm trở, dốc quanh co, đường hẹp. Chỉ huy đoàn yêu cầu lái xe giữ đúng tốc độ đã hiệp đồng để đảm bảo an toàn. Xe đi tiền trạm tăng cường quan sát, chủ động xây dựng phương án ứng phó các tình huống. "Có những khúc cua nguy hiểm, cả đoàn phải xuống xe để làm hoa tiêu cho tài xế. Ở những đoạn đường đó, một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm", thượng tá Sơn nói.
Những ngày thuận lợi, đoàn di chuyển 100-200km, nhưng hôm thời tiết xấu, đường quanh co chỉ đi được trên 30km. Xe tiền trạm phải tính toàn nơi ăn, nghỉ của đoàn. Khi trời tối, đoàn đưa các xe về bãi đỗ riêng, bố trí lực lượng canh gác để đảm bảo an ninh cho phương tiện và hiện vật.
Việc phối hợp các địa phương, quân khu trên tuyến đường hành quân được hiệp đồng chặt chẽ. Khi qua khu vực đô thị có thêm lực lượng công an, kiểm soát quân sự hỗ trợ dẫn đường giúp đoàn di chuyển thuận lợi.
Tối 20/10, sau 9 ngày, tất cả bộ phận của C-130 đã có mặt tại khu vực quảng trường của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đại lộ Thăng Long để tiến hành lắp đặt. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán hóc búa bởi ở không gian ngoài trời của bảo tàng không có nhiều công cụ, phương tiện kỹ thuật tiêu chuẩn hỗ trợ như khi tháo lắp tại xưởng.
Theo thượng tá Sơn, các kỹ sư, chuyên gia của Nhà máy A41 phối hợp làm việc rất chuyên nghiệp nên nhiệm vụ vận chuyển, lắp đặt "ngựa thồ" C-130 ở khu vực trưng bày ngoài trời cuối cùng cũng hoàn thành. "Họ thuộc các bộ phận, chi tiết máy bay như lòng bàn tay, biết rõ vị trí từng con ốc", ông Sơn nói.
Thượng tá Phạm Vũ Sơn cho rằng, việc vận chuyển chiếc C-130 an toàn về bảo tàng là mong mỏi của nhiều thế hệ cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bởi đây là hiện vật "thể hiện thắng lợi vĩ đại của dân tộc, chiến lợi phẩm quan trọng mà Quân đội Nhân dân Việt Nam thu được khi đánh thắng cường quốc quân sự như Mỹ".
Dự án Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được khởi công từ năm 2020, có diện tích gần 39ha với không gian trưng bày chính là tòa nhà cao 35,8m, rộng 23.000m2, gồm 4 tầng nổi và một tầng bán âm. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành giai đoạn một vào tháng 6, gồm các khu vực trưng bày tầng 1 của tòa nhà chính, quảng trường, đài tưởng niệm và các hạng mục phụ trợ. Dự kiến cuối năm 2024, công trình sẽ khánh thành, phục vụ công chúng trong nước và quốc tế.
C-130 là loại máy bay vận tải hạng trung, thân rộng, chính thức đưa vào trang bị cho Không quân và Hải quân Mỹ năm 1956. Phiên bản đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là thế hệ C-130 đầu tiên, sử dụng động cơ phản lực cánh quạt Allison T56 ba lá.