Hành trình chiến thắng số phận của nữ sinh khuyết tật

Nguyễn Thị Mỹ Linh | 18/10/2022, 11:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Là người khiếm thị nhưng Nguyễn Thị Mỹ Linh đã rất nỗ lực để chiến thắng số phận, không chấp nhận bất hạnh mà coi đó là đòn bẩy để vươn lên.

Giáo dục Thủ đô xin trân trọng giới thiệu bài viết của Nguyễn Thị Mỹ Linh về hành trình đầy chông gai nhưng đáng tự hào.

z3793142565217_763fefcbb5a1c43f2ea443e79f54ec56.jpg
Em Nguyễn Thị Mỹ Linh trong ngày tốt nghiệp.

Quê tôi ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Tôi được mẹ cha sinh ra, được chăm bẵm, vui đùa và lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác. Lên 5 tuổi, gia đình phát hiện tôi có một khối u ở não; tôi được đi phẫu thuật và di chứng để lại là bệnh teo gai thị. Từ đó, mắt tôi chỉ nhìn được lờ mờ ở khoảng cách dưới 3 mét. Tôi đã vô cùng chán nản và tuyệt vọng.

May mắn, năm 2005, tôi được nhận vào học tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Tôi đã vô cùng vui sướng và hạnh phúc khi bắt đầu được cắp sách tới trường và nhận được sự sẻ chia, quan tâm của thầy cô, bè bạn nhưng bên cạnh đó khó khăn cũng chất chồng khi tôi phải sống xa gia đình và gần như phải tự lập hoàn toàn. Điều này đối với một cô bé lên 10 nào cũng đều rất vất vả huống chi với một cô bé khiếm thị.

Nhưng tôi đã không ngừng cố gắng để không chỉ tự lập một cách nhanh chóng mà còn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc. Ngoài ra, tôi còn luôn tích cực, năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa và được thầy cô, bạn bè tin tưởng bầu là cán sự của khối học sinh khiếm thị trong suốt những năm học cấp hai.

z3793213881672_3a070f0c47a3b7a97306deb64951964c.jpg

Tôi đã không ngừng nỗ lực rèn luyện để trở thành một cán sự gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của nhà trường. Mặt khác, cùng với sự dạy bảo tận tình của thầy cô giáo và nỗ lực vươn lên của bản thân, tôi không chỉ có nền tảng kiến thức văn hóa vững chắc mà còn có cơ hội tham gia nhiều cuộc thi và cũng đã đạt được những thành tích đáng tự hào

Năm 2012, tôi giành giải nhì trong cuộc thi viết kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Năm 2015, tôi giành được Huy chương Vàng của nội dung excel trong cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin dành cho thanh thiếu niên khuyết tật toàn cầu” tổ chức tại Indonesia. Cùng năm đó, nhờ quá trình học tập và lao động tích cực của bản thân, tôi đã vinh dự được chọn là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô.

Nguyễn Thị Mỹ Linh là một trong 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình " Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua.

Không ngừng nỗ lực vươn lên, kết thúc 12 năm học phổ thông, tôi đã giành trọn vẹn 12 tấm giấy khen học sinh giỏi cùng với nhiều thành tích đáng tự hào. Năm 2017, tôi vô cùng vui sướng khi chính thức được trở thành sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại nơi đây, cơ hội khẳng định bản thân lại mở ra với tôi theo một cách khác.

Những khó khăn không chỉ là việc khó tiếp cận giáo trình học tập do tôi không thể đọc được chữ in trên giấy mà còn là kỹ năng làm việc nhóm, sự vận dụng công nghệ thông tin một cách tối đa trong quá trình học tập. Những điều đó khiến tôi phải nỗ lực rất nhiều để thích nghi và theo kịp các bạn trong lớp.

Bên cạnh việc học tập một cách chăm chỉ, tôi còn không ngừng học hỏi để bổ trợ thêm những kỹ năng tin học cần thiết cho quá trình học tập của mình. Chính nhờ sự nỗ lực đó mà kết thúc 4 năm học đại học, tôi đã đạt điểm học tập là 3.33/4 - một mức điểm tuy chưa phải xuất sắc nhưng cũng đủ để tôi có được tấm bằng cử nhân giỏi và thêm động lực để vững bước hơn trên chặng đường tương lai.

z3793142565193_0b337029665a3827be32607ea33cfaa8.jpg

Bên cạnh việc học văn hóa, tôi còn có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn cờ vua. Tôi học chơi cờ khi bước sang tuổi thứ năm. Khi ấy, thấy anh trai tôi chơi cờ cùng bạn của anh, tôi đã rất thích thú và tò mò nên nhờ anh hướng dẫn cách chơi. Năm 2013, tôi xin tham gia tập luyện tại đội tuyển cờ vua người khuyết tật thành phố Hà Nội.

Bằng niềm đam mê và sự nỗ lực của mình cũng như sự chỉ bảo tận tình của huấn luyện viên, năm 2014 lần đầu tiên tôi được tham gia giải vô địch cờ vua người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại Cần Thơ. Ở đây, tôi có thêm kinh nghiệm thi đấu và học tập được rất nhiều từ những đối thủ đến từ các tỉnh thành khác. Tuy năm đó tôi vinh dự đoạt hai huy chương đồng nhưng tôi hiểu rằng mình còn rất nhiều thiếu sót cần phải củng cố.

z3793142539566_f951563e113a52bb629cbbe38df99c95.jpg

Không ngừng nỗ lực học hỏi vươn lên, tính đến nay, trải qua tám mùa giải thể thao trong nước và ba giải thể thao quốc tế, tôi đã đoạt tổng cộng 9 huy chương vàng, 10 huy chương bạc và 8 huy chương đồng tại các giải vô địch trong nước; 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Paragames 9) năm 2017.

Với thành tích đó, tôi vinh dự được nhận Bằng khen vận động viên xuất sắc của Thủ tướng chính phủ gửi tặng. Đặc biệt, năm 2018, tôi được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc khi giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á (ASIAN Paragames 3). Không dừng lại ở đó, tôi tiếp tục đoạt được 4 huy chương vàng tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Paragames 11) tổ chức tại Indonesia vào tháng 8 vừa qua.

Để đạt được những thành tích kể trên, với một người khiếm thị như tôi quả thực không hề dễ dàng. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sự khiếm khuyết của bản thân là chướng ngại trên mỗi chặng đường tôi qua. “Nhân vô thập toàn”, nhưng chính sự không toàn vẹn ấy lại là động lực để mỗi chúng ta luôn vươn tới những điều tốt đẹp và phấn đấu khẳng định bản thân mình.

Bài liên quan
Mang Trung thu đến học sinh khó khăn, khuyết tật
Chương trình “Kết nối yêu thương - Trung thu cho em” được tổ chức tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì ngày 7/9.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình chiến thắng số phận của nữ sinh khuyết tật