Hành trình “chinh phục” học bổng 10 trường đại học Mỹ của nữ sinh THPT Nguyễn Gia Thiều - Hà Nội

Kiều Anh | 01/08/2021, 09:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTD) - Lê Nguyệt Hà (sinh năm 2003) vừa được 10 trường đại học của Mỹ cấp học bổng và hỗ trợ tài chính. Bạn gái đến từ Hà Nội này có ước mơ du học từ năm lớp 9. Hà đã chia sẻ kinh nghiệm săn học bổng của mình.

Nguyệt Hà đã phải trải qua một mùa nộp đơn ứng tuyển các trường đại học cho kỳ học mùa Thu (Fall 2021) đầy cạnh tranh. Hà chia sẻ, ước mơ du học bắt đầu hình thành từ năm lớp 9. 

1.jpg
Một "background" (nền tảng) khá ấn tượng đến từ Nguyệt Hà

Trong quá trình nộp đơn ứng tuyển, Nguyệt Hà đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ gia đình, thầy cô, bạn bè. Những anh chị đi trước đã không ngần ngại chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của bản thân.

Sau khi trúng tuyển, Hà cũng mong muốn có thể giúp đỡ người khác như cách mà mình từng được giúp đỡ. Dưới đây là những chia sẻ của Hà về trải nghiệm cá nhân khi ứng tuyển vào các trường đại học Mỹ.

Đây là giai đoạn mà Nguyệt Hà bắt đầu tìm hiểu thông tin về du học tại Mỹ.

Những yếu tố làm nên một bộ hồ sơ ứng tuyển du học chuẩn

Điểm SAT/ ACT (American College Testing - bài kiểm tra xét tuyển đầu vào Đại học Mỹ); 

- Điểm IELTS/ TOEFL;

- Điểm SAT II/ AP - Advanced Placement, chương trình chuẩn bị cho học sinh trước khi vào Đại học, làm tăng khả năng đậu vào các trường đại học danh tiếng (không bắt buộc);

- GPA (điểm trung bình trên lớp) từ lớp 9 đến học kì 1 lớp 12

- Giải thưởng học thuật

- Hoạt động ngoại khóa

- Thư giới thiệu (Letter of Recommendation)

- Bài luận chính (Personal Statement)

- Bài luận phụ (Supplemental Essays): tùy yêu cầu của từng trường đại học

- Phỏng vấn: tùy yêu cầu của từng trường đại học

- Bài kiểm tra viết luận có tính giờ: tùy yêu cầu của từng trường đại học

- Hồ sơ tài chính (nếu có nhu cầu nộp đơn xin hỗ trợ tài chính)

Những điều cần biết khi nộp đơn ứng tuyển

Về các đợt tuyển sinh chính:

- ED1 (Early Decision 1): đợt tuyển sinh sớm, thí sinh chỉ được nộp đơn ứng tuyển một trường duy nhất và bị ràng buộc với trường, nghĩa là phải bắt buộc phải theo học nếu đỗ và nhận đủ học bổng cùng hỗ trợ tài chính.

- EA (Early Action): đợt tuyển sinh sớm nhưng thí sinh không bị ràng buộc với trường và không giới hạn số trường, không phải trường nào cũng có đợt EA.

- ED2 (Early Decision 2): tính chất giống ED1, nhưng hạn nộp muộn hơn, và không phải trường nào cũng có đợt ED2.

- RD (Regular Decision): đợt tuyển sinh thường, thí sinh không bị giới hạn số lượng trường và không bị ràng buộc.

- Một số trường còn có đợt RA (Rolling Admissions): đợt tuyển sinh có nhiều điểm tương đồng với EA và RD, không có hạn nộp và tuyển sinh cho đến khi đủ số lượng.

Đa phần các trường đại học ở Mỹ và các trường quốc tế ở Việt Nam đều xem xét ứng viên một cách toàn diện, nghĩa là mỗi ứng viên sẽ được đánh giá trên nhiều yếu tố trong bộ hồ sơ chứ không chỉ dựa trên điểm số. Ngoài ra, điều dễ gây hiểu nhầm đối với những bạn lần đầu tiên nộp đơn ứng tuyển đi du học là tất cả số tiền mà học sinh nhận được đều là học bổng, tuy nhiên thực tế số tiền ấy chia thành hai loại:

- Học bổng (Merit based scholarship): học bổng được xét dựa trên năng lực của học sinh, không quan tâm đến khả năng tài chính của gia đình.

- Hỗ trợ tài chính (need based grant/ financial aid): dành cho những ứng viên tiềm năng nhưng không có đủ tiền theo học, không phân biệt năng lực của thí sinh.

- Ở giai đoạn này, Nguyệt Hà đã hoàn thành những phần cốt lõi nhất của bộ hồ sơ, bao gồm: thi các bài thi chuẩn hóa, duy trì điểm trung bình trên lớp, và tham gia hoạt động ngoại khóa.

+ Các bài thi chuẩn hóa:

Nguyệt Hà dành thời gian để tập trung học SAT và tự học lại IELTS khoảng một tháng trước khi thi. Hà thi SAT 2 lần vào tháng 5/2019 và tháng 12/2019. Nữ sinh chia sẻ bản thân học SAT vô cùng trầy trật và vất vả. Dù có gốc tiếng Anh khá vững nhưng bạn vẫn bị sốc khi học SAT. Trái ngược với khó khăn ấy, Hà lại cảm thấy học IELTS khá thoải mái, không đến mức phải “học ngày học đêm” do bạn đã có gốc tiếng Anh tốt và từng học qua SAT nên khi chuyển sang học IELTS không bị bỡ ngỡ.

+ Tập trung cải thiện GPA (điểm trung bình trên lớp):

Bản thân Hà thấy điểm trung bình của mình không cao nên không thể có những biện pháp cụ thể để đạt được GPA cao. Thay vào đó, cô bạn đã chia sẻ một số kinh nghiệm rút ra được sau quá trình nộp đơn ứng tuyển đại học: 

- Không nên tập trung vào các bài thi chuẩn hóa mà lãng quên việc học trên lớp;

- Nếu không thể đạt điểm cao do những yếu tố khách quan thì cũng đừng để điểm trung bình quá thấp;

- Không nên học “lệch”, vì khi nhìn vào học bạ, ban tuyển sinh sẽ xem xét điểm của tất cả các môn chứ không chỉ nhìn mỗi điểm tổng kết;

- Cố gắng đạt điểm cao trong các môn thế mạnh của mình.

Hoạt động ngoại khóa: 

Từ khi bước chân vào những năm học cấp III, Nguyệt Hà đã chủ động tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Bắt đầu từ những vị trí nhỏ trong các câu lạc bộ đến khi Hà tự lập những dự án riêng như The 80% project (dự án kết nối học sinh) và Greeny project (dự án môi trường).

90245706_119787346295212_397720693233418240_n.jpg
Nguyệt Hà đã sáng lập The 80% Project - dự án kết nối học sinh (Nguồn: Facebook The 80% Project)

Nguyệt Hà tham gia các câu lạc bộ trong trường, tìm kiếm các dự án và cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên trên mạng xã hội Facebook.

Đối với Hà, tham gia các hoạt động ngoại khóa càng sớm càng tốt. Khi biết điểm cấp III, Hà “bắt tay” vào tìm kiếm các dự án đang mở đơn tuyển thành viên. Chính vì bắt đầu từ sớm nên Hà có cơ hội gắn bó lâu dài với các hoạt động mình tham gia, đồng thời được trải nghiệm ở nhiều vị trí khác nhau.

Đây là giai đoạn mà Nguyệt Hà đã có những phần cốt lõi nhất của bộ hồ sơ và chuẩn bị cho những công việc còn lại. 

Hà đã lựa chọn trung tâm tư vấn du học dựa trên những tiêu chí như: giá cả hợp lý; không phải lừa đảo; có thành tích thật, minh bạch, công khai thông tin; mentor (người cố vấn) có tâm và kinh nghiệm, biết cách khai thác và phát huy điểm mạnh của học sinh.

“Hãy chọn trung tâm phù hợp với bản thân mình. Nếu có cơ hội bạn nên đến tận nơi hoặc nói chuyện trực tiếp với người sẽ trở thành mentor của bạn để xem hai bên có cùng tư duy và định hướng, cùng chung cảm xúc không. Vì trung tâm sẽ đồng hành cùng với bạn trong suốt cả mùa ứng tuyển, nếu hai bên không hợp nhau thì sẽ rất khó làm việc chung" - Hà nói.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng nữa là chọn trường đại học. Nguyệt Hà chia sẻ những tiêu chí để bạn có thể chọn môi trường học tập thích hợp với bản thân: trường đại học đó hào phóng với sinh viên quốc tế; phù hợp với năng lực của bản thân; chất lượng giảng dạy; tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp và có việc làm.

Sau khi chọn được trường, Hà bắt đầu lên ý tưởng luận chính và luận phụ. Trong quá trình ấy, bạn làm những bài trắc nghiệm về tính cách để biết về điểm mạnh và yếu của mình.

Ngẫm nghĩ lại những trải nghiệm trong quá khứ của bản thân, ghi lại những gì bạn cho là có ảnh hưởng mạnh mẽ đến con người  hiện tại.

Những điều đó không nhất thiết phải là những sự kiện lớn, có thể đơn thuần chỉ là những sở thích, thói quen, sự việc, kỷ niệm nhỏ đã góp phần tạo nên tính cách, con người bạn ngày nay.

Đối với những bài luận phụ hỏi về lý do chọn trường và tại sao trường nên nhận bạn, Hà đã chủ động đi tìm kiếm thông tin trên website, các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube của trường.

Viết CV (Hồ sơ ứng tuyển) bao gồm những thông tin cá nhân như: Họ tên; trường lớp; thông tin liên hệ; thành tích học thuật; hoạt động ngoại khóa… CV chỉ nên gói gọn trong hai trang A4, nếu bạn có quá nhiều thứ muốn “khoe” thì hãy ghi thành tích nổi bật nhất hay hoạt động ngoại khóa bạn tâm đắc nhất, còn lại, bạn có thể điền trong các đơn ứng tuyển của trường hoặc khéo léo “gài gắm” vào bài luận của mình.

Để có một hồ sơ ấn tượng hơn, Hà đã chủ động xin thư giới thiệu của 3 giáo viên tại trường: Giáo viên chủ nhiệm (đây là giáo viên bắt buộc phải có); giáo viên tiếng Anh và giáo viên Sử.

Theo như cô bạn lý giải, em lựa chọn những giáo viên này giúp tạo nên sự đa dạng vì giáo viên chủ nhiệm của em dạy Vật Lý (một môn tự nhiên); giáo viên dạy Sử (một môn xã hội) và Tiếng Anh - môn ngoại ngữ và cũng là thế mạnh của em.

Bên cạnh đó, hồ sơ còn cần có học bạ hồ sơ tài chính và dịch thuật công chứng tài liệu.

Giai đoạn này, Nguyệt Hà thực hiện những công việc cuối cùng bao gồm việc viết luận, gửi điểm SAT/IELTS và nộp đơn ứng tuyển. 

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm viết luận, bài luận chính của Hà được viết và sửa khá nhanh do bạn đã dành thời gian lên ý tưởng một cách thật chi tiế. Hà chọn chủ đề về những bài học được rút ra sau hoạt động dạy làm bánh cho một em bé tự kỷ đã mang lại nhiều ý nghĩa và cảm xúc đến cho bạn.

Bài luận có thể chia sẻ những câu chuyện gần gũi, thực tế, thể hiện cá tính riêng của mỗi người và hãy diễn đạt đúng với cảm xúc thật sự của mình. Còn bài luận phụ của Nguyệt Hà chủ yếu xoay quanh những trải nghiệm cá nhân trong các hoạt động ngoại khóa. Vì theo Hà, bạn không có thành tích học thuật xuất sắc nên sẽ tập trung khai thác điểm mạnh qua những hoạt động ngoại khóa. 

Sau một hành trình dài và nỗ lực không ngừng nghỉ, Nguyệt Hà đã có một kết quả vô cùng xứng đáng khi được 10 trường đại học của Mỹ cấp học bổng và hỗ trợ tài chính: Carnegie Mellon University in Qatar; Beloit College; Luther College; Depauw University… Cô bạn đã quyết định chọn Carnegie Mellon University in Qatar (cơ sở chi nhánh của CMU Mỹ thuộc top 25 hệ thống các trường đại học quốc gia tại Mỹ) có thế mạnh về ngành quản trị kinh doanh và cấp học bổng ở mức hỗ trợ cao nhất 258 000 USD (khoảng 6 tỷ VND cho 4 năm).

Nguyệt Hà đã thực hiện được ước mơ của mình với thành tích đầy ấn tượng.

Bài liên quan
Những bức ảnh nóng bỏng dàn người đẹp Hà thành tập luyện tại nhà
Biên tập viên Mai Ngọc, cá sấu chúa Quỳnh Nga, hay Huyền Lizzie, Lã Thanh Huyền... là những người đẹp Hà thành luyện tập tại nhà có được vóc dáng vạn người mê.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình “chinh phục” học bổng 10 trường đại học Mỹ của nữ sinh THPT Nguyễn Gia Thiều - Hà Nội