Lực lượng Hezbollah đã lần đầu tiên tập kích một bệ phóng Vòm Sắt ở một căn cứ của Israel gần biên giới với Lebanon.
Theo báo Mỹ The War Zone, lực lượng Hezbollah hôm 5/6 đăng video tên lửa lao về phía một bệ phóng Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel.
Theo nhận định của báo Mỹ, bức ảnh chụp hiện trường sau vụ tấn công cho thấy bệ phóng bị hư hại nhưng cấu trúc tổng thể vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Nguyên nhân có thể là do bệ phóng không ở trong tình trạng chiến đấu, do đó không được quân đội Israel nạp đạn tên lửa đánh chặn Tamir. Nếu bệ phóng Vòm Sắt có gắn tên lửa, thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.
Báo Mỹ cũng cho biết, lực lượng Hezbollah dường như đã sử dụng tên lửa Almas do Iran sản xuất trong vụ tấn công. Đây là mẫu tên lửa chống tăng được phát triển từ nguyên mẫu SPIKE của Israel. Trong quá khứ, Hezbollah được cho là đã thu giữ một số hệ thống tên lửa dẫn đường SPIKE còn nguyên vẹn và gửi tới Iran nghiên cứu.
Khoảnh khắc tên lửa dẫn đường do Hezbollah sử dụng đâm vào bệ phóng Vòm Sắt của Israel.
Iran lần đầu công bố hệ thống tên lửa chống tăng Almas vào năm 2021 với các thông số giống hệt tên lửa SPIKE của Israel. Tên lửa có tầm bắn lên tới 4km và nặng 15kg. Iran cũng đã phát triển phiên bản Almas-2 có tầm bắn xa gấp đôi và Almas-3 mang đầu đạn nổ mạnh hoặc nhiệt áp.
Theo The War Zone, sau khi khai hỏa, tên lửa Almas bay với tốc độ cao tới mục tiêu và có độ chính xác rất cao. Đây được coi là mối đe dọa đáng kể với quân đội Israel và cơ sở hạ tầng quân sự của Israel ở khu vực biên giới giáp Lebanon. Hezbollah lần đầu công bố video sử dụng tên lửa Almas trong giao tranh với Israel vào tháng 1/2024.
"Có vẻ như đúng là Hezbollah đã đánh trúng bệ phóng Vòm Sắt của Israel bằng tên lửa dẫn đường", nhà nghiên cứu Joe Truzman ở Mỹ, nhận định. "Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bệ phóng Vòm Sắt bị đánh trúng. Hezbollah đã cố gắng làm điều này trong nhiều năm nhưng đây là bằng chứng thành công đầu tiên".
Hệ thống tên lửa dẫn đường Almas do Iran sản xuất.
Theo báo Mỹ, vụ việc cho thấy những vũ khí cầm tay như tên lửa chống tăng, máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV FPV) của Hezbollah tạo ra thách thức đáng kể cho quân đội Israel. Rất khó để Israel ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy trừ khi phát hiện hoạt động của Hezbollah từ trước.
Quân đội Israel cũng có cần bố trí thêm các hệ thống phòng không tầm ngắn để bảo vệ các cơ sở quân sự và các hệ thống vũ khí giá trị cao như Vòm Sắt.
Mỗi hệ thống Vòm Sắt ước tính có giá khoảng 50 triệu USD, gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ phóng chứa tối đa 20 tên lửa đánh chặn. Hệ thống cũng bao gồm radar phát hiện mục tiêu và bộ phận chỉ huy, kiểm soát hỏa lực.
Hôm 4/6, báo Nga Sputnik đưa tin, Hezbollah được cho là đã tung ra công nghệ mới "tinh vi" nhằm gây bất ngờ cho quân đội Israel trong các cuộc đụng độ ở biên giới.
Bệ phóng bị hư hại đáng kể sau khi trúng tên lửa của Hezbollah.
"Quyết định của Hezbollah khi thực hiện một cuộc tấn công bằng UAV và đạn pháo (gồm cả tên lửa dẫn đường) cho thấy một phương pháp có tính toán chiến lược. Phương pháp đó nhằm duy trì yếu tố bất ngờ và khiến Israel luôn ở trong tình trạng bị động", tiến sĩ Imad Salamey, chuyên gia về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học Lebanon - Mỹ, nói trên Sputnik. "Hezbollah đã cho thấy năng lực của lực lượng này rất khó lường. Chiến lược vận dụng này không chỉ làm phức tạp các tính toán phòng thủ của Israel mà còn cho phép Hezbollah giữ thế chủ động trong xung đột".