- PGS có thể chia sẻ rõ hơn quy trình xây dựng bài dạy STEM?
- Xây dựng bài dạy STEM được thực hiện dựa trên việc phân tích định hướng về nội dung, môn học chủ đạo cùng yêu cầu cần đạt, nhiệm vụ của học sinh, những nội dung tích hợp của các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, giáo viên đề ra mục tiêu bài dạy STEM, lựa chọn hoạt động dạy học, phương tiện thiết bị và ý tưởng về các phương pháp, kỹ thuật dạy học sẽ sử dụng một cách phù hợp.
Quy trình xây dựng bài dạy STEM có thể dựa trên các bước cơ bản:
Bước 1: Lựa chọn nội dung dạy học. Các nội dung bài dạy trong chương trình có thể được triển khai dưới dạng: (1). Những nội dung kiến thức trong chương trình môn học và các hiện tượng, quá trình gắn kiến thức đó trong thực tiễn.
(2). Các sản phẩm ứng dụng đáp ứng một số nhu cầu thiết thực trong sinh hoạt hàng ngày, trong sản xuất, cuộc sống, học tập.
(3). Những câu chuyện về phát minh, sáng chế của các nhà khoa học nổi tiếng dẫn đến nhu cầu mong muốn thử nghiệm, chứng minh thông qua bài dạy STEM. Trong quá trình dạy học các môn học thuộc lĩnh vực STEM, cần thường xuyên đặt câu hỏi “những kiến thức đã học trong bài được ứng dụng ở đâu trong thực tiễn, có thể dùng nó để giải quyết vấn đề gì”. Đặc biệt là câu hỏi liên hệ, vận dụng vào bối cảnh thực tiễn địa phương, nhà trường.
Bước 2: Xác định vấn đề cần giải quyết. Dựa trên nội dung bài dạy STEM dự định triển khai, có thể đưa ra một tình huống có vấn đề mang tính thực tiễn thúc đẩy học sinh có nhu cầu thực hiện một nhiệm vụ cụ thể để giải quyết. Nhiệm vụ học tập phải bao gồm các yêu cầu cụ thể về sản phẩm, học sinh cần liên hệ, vận dụng kiến thức các môn học thuộc lĩnh vực STEM.
Tình huống đặt ra cần có tiềm năng trong việc khuyến khích học sinh hoạt động và vận dụng kiến thức của nhiều môn học khác nhau, có tính khả thi về thời gian, phù hợp với năng lực người học, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường và địa phương,... Ngoài ra, các tình huống cũng cần phù hợp với sở trường, đặc điểm, tạo ra sự quan tâm, hứng thú của học sinh thông qua việc thấy được ý nghĩa, lợi ích của việc thực hiện.
Bước 3: Xây dựng tiêu chí sản phẩm/giải pháp giải quyết vấn đề. Giáo viên cần xác định các tiêu chí cụ thể cho sản phẩm sao cho học sinh huy động kiến thức đã học (với bài dạy STEM kỹ thuật) hoặc khám phá được kiến thức mới (đối với bài dạy STEM khoa học) mới có thể đáp ứng các yêu cầu sản phẩm học tập giáo viên đưa ra. Đồng thời, học sinh vận dụng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để đề xuất giải pháp có tính khoa học, khả thi; chế tạo sản phẩm; cải tiến, phát triển sản phẩm…
Bước 4: Thiết kế tiến trình tổ chức hoạt động dạy học. Tiến trình tổ chức hoạt động dạy học được thiết kế theo các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. Mỗi hoạt động học được thiết kế rõ ràng về mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập mà học sinh phải hoàn thành và cách thức tổ chức hoạt động học tập.
- Đánh giá kết quả học tập trong giáo dục STEM ở phổ thông cần lưu ý điều gì, thưa PGS?
- Đánh giá kết quả học tập trong giáo dục STEM ở phổ thông tuân theo các quy định của Bộ GD&ĐT, mới đây nhất là Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT và các hướng dẫn khác của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, do những đặc trưng của giáo dục STEM nên trong đánh giá trong giáo dục STEM cần lưu ý:
Chú trọng đánh giá việc áp dụng kiến thức tổng hợp, kết hợp thực hành và lý thuyết để giải quyết hoặc đưa ra giải pháp sáng tạo với các vấn đề trong thực tiễn. Việc đánh giá học sinh cần căn cứ vào hoạt động cá nhân và đóng góp của cá nhân vào hoạt động nhóm trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập.
Đánh giá trong giáo dục STEM là đánh giá năng lực của học sinh. Việc thu thập thông tin về sản phẩm vật chất (nếu có) trong bài dạy STEM chỉ là các minh chứng về năng lực của học sinh, tránh hiểu lầm là chỉ tập trung đánh giá sản phẩm của học sinh.
Trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục STEM, tuỳ mục tiêu cụ thể, giáo viên có thể đánh giá học sinh theo các khía cạnh khác nhau, bằng phương pháp, công cụ khác nhau, nhưng phải hướng đến giúp các em tiến bộ so với bản thân. Kết quả đánh giá giúp giáo viên xác định được mức độ học tập khác nhau của học sinh, nhận ra khi nào cần giúp đỡ và có phản hồi kịp thời để giúp trò hoàn thành nhiệm vụ học tập tốt nhất trong khả năng của mình.
- Xin cảm ơn PGS!
Việc thiết kế, trình bày bài dạy STEM có thể tham khảo hướng dẫn tại Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Các hoạt động được thực hiện linh hoạt ở trong và ngoài lớp học theo nội dung, phạm vi kiến thức của từng bài học. Mỗi hoạt động phải được mô tả rõ mục tiêu, nội dung, dự kiến sản phẩm của học sinh và cách thức tổ chức. - PGS.TS Nguyễn Văn Biên