Hiệu quả từ hướng nghiệp: Chọn ngành vì 'hot' hay yêu thích?

10/04/2024, 17:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chọn ngành rộng hay ngành hẹp khi thị trường lao động liên tục biến đổi... là băn khoăn của nhiều thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Trưởng khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, những năm gần đây, các ngành khoa học cơ bản thường khó tuyển sinh. Như ngành Hải dương học năm trước chỉ tuyển được 2 sinh viên. Ngành Khí tượng thủy văn cũng tuyển được khoảng 10 em.

Khoa học cơ bản là nền tảng của một quốc gia nhưng do đặc thù nằm trong hệ thống Nhà nước nên cơ hội việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp không cao. Với suy nghĩ học khó, việc làm ít, thu nhập thấp khiến nhiều thí sinh quay đầu chọn ngành được cho là việc nhẹ, lương cao hơn.

ThS Phùng Quán - giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đưa ra thông tin, những năm gần đây, ngành mà trường thường xuyên tuyển không đủ chỉ tiêu phần nhiều có tên gọi khiến học sinh cảm giác công việc nặng nhọc, vất vả như: Địa chất, Hải dương học, Môi trường... Trong khi đây đều là ngành mà nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp rất cao.

Ông Quán cho rằng, chọn ngành được coi là tốp dưới thì khả năng tìm kiếm việc làm và thu nhập không bằng nhóm trên. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn quyết định lựa chọn những ngành hẹp vì cho rằng cơ hội học tập rộng mở, nhận nhiều ưu đãi hơn và cơ hội việc làm không hề kém so với những ngành “hot”.

Vũ Hoàng Lâm - sinh viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, em lựa chọn ngành này ngoài sở thích còn quan tâm đến cơ hội việc làm, khả năng đỗ vào trường cùng những học bổng, ưu đãi học tập. Học phí của trường không lớn, lại kèm theo học bổng là một số tiền lớn có thể trang trải trong hơn một năm.

Còn Lữ Văn Quang - cựu sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải chọn ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông - ngành học kém hấp dẫn thí sinh và có điểm đầu vào không cao. Nhưng Quang cho rằng, đây là lựa chọn đúng vì hiện nay nhu cầu nhân lực của ngành cao. Từ năm thứ 3, Quang được đi thực tế tại doanh nghiệp và có việc làm ngay sau khi ra trường với mức lương 17 triệu đồng/tháng.

Khí tượng thủy văn là ngành học tưởng như có ít cơ hội việc làm nhưng lại đang là mục tiêu săn đón, tuyển dụng của nhiều công ty với mức lương khá cao. Ông Trần Xuân Hùng - Giám đốc Công ty Cung cấp ứng dụng thời tiết WeatherPlus Service (Hà Nội) cho biết rất cần tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành này với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Đây là ngành có ít sinh viên theo học và doanh nghiệp luôn phải đến tận trường để trực tiếp tuyển dụng.

Ông Trần Phương - chuyên gia hướng nghiệp đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Những năm qua, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đã đi vào chiều sâu và phát huy được giá trị trong công tác định hướng ngành nghề phù hợp cho học sinh.

Tuy nhiên, việc chọn lựa ngành học của phụ huynh và học sinh vẫn còn thiên về ngành “hot”, có tiếng. Do đó, phải nêu rõ được nhu cầu, mức thu nhập có thể đạt được của ngành học, bên cạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, mới mong giải quyết được độ vênh trong tuyển sinh như hiện nay.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hieu-qua-tu-huong-nghiep-chon-nganh-vi-hot-hay-yeu-thich-post678389.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hieu-qua-tu-huong-nghiep-chon-nganh-vi-hot-hay-yeu-thich-post678389.html
Bài liên quan
Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề
Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động là giải pháp quan trọng, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả từ hướng nghiệp: Chọn ngành vì 'hot' hay yêu thích?