Nhóm 22 học sinh lớp 10 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) được hướng dẫn làm các thí nghiệm hóa học tại Không gian sáng chế của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK, ĐH Đà Nẵng) để tìm hiểu sâu hơn khái niệm tài nguyên nước, nước ảo (virtual water) và dấu chân nước (water footprint).
Trên cơ sở này, nhóm của em Phạm Nguyên đề xuất chính sách để những cơ sở kinh doanh du lịch tiết kiệm nước và biện pháp xử phạt hợp lý. Có thể chia riêng tiền phòng và tính phụ phí cho những dịch vụ khác như tiền nước, tiền đồ ăn... để khách du lịch lựa chọn có sử dụng những dịch vụ đó hay không. Giảm lượng nước sử dụng cho việc giặt giũ bằng cách tiếp tục dùng khăn tắm, ga trải giường đối với những khách ở lại nhiều ngày và chỉ thay mới một số thứ thực sự cần thiết…
Ngoài cơ hội được vận dụng, thực hành kiến thức hóa học, với khóa học STEM sáng tạo, học sinh phổ thông còn có dịp tìm hiểu tiềm năng ngành du lịch của thành phố, hoạch định kế hoạch kinh doanh của cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch, góp phần vào việc định hướng nghề nghiệp cho các em.
Trong một khóa học STEM khác do VNUK tổ chức, học sinh trong độ tuổi từ lớp 8 đến lớp 11 được tiếp cận kiến thức cơ bản về các phần của đại dương và quy trình thực hiện nghiên cứu khoa học.
Bắt đầu từ phỏng đoán về tình trạng rác thải, học viên tiếp tục nghiên cứu tài liệu sẵn có để nhận định giả thuyết về những vùng biển tại Đà Nẵng. Tiếp đó, các em được hướng dẫn thao tác thực hiện tại những khu vực địa lý khác nhau của biển. Ngoài tự tay nhặt rác và phân loại từ 5 giờ sáng, học sinh tham gia dự án còn phỏng vấn trực tiếp các đối tượng khảo sát khác nhau trên bãi biển Mân Thái và Mỹ Khê.
Cuối cùng, để kiểm chứng cho những nhận định đặt ra ban đầu, các bạn trẻ tiến hành nghiên cứu trong phòng Lab tại VNUK, từ đó đưa ra kết luận để trình bày trong ngày tổng kết. Những lớp học này giúp nâng cao khả năng tư duy phản biện, cải thiện kỹ năng nghiên cứu, tạo nền tảng lĩnh hội giá trị giáo dục toàn diện và nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học.
“Từ lớp 10, nhà trường đã triển khai công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh dựa trên nguyên tắc phù hợp sở thích, năng lực; khả năng tài chính của gia đình và cơ hội nghề nghiệp. Theo đó, học sinh lớp 10 và 11 được nhà trường giới thiệu kỹ một số nghề nghiệp theo tiêu chí “thời gian học ngắn, học phí vừa phải và sớm có việc làm”.
Bên cạnh giới thiệu thông tin về các trường đại học, nhà trường dành thời gian để tư vấn cho học sinh về trường nghề. Tham gia hướng nghiệp sớm giúp học sinh biết một số nghề cơ bản trong xã hội, từ đây có hình dung nhất định về nghề nghiệp, biết xác định ưu điểm và sở thích của mình để có những định hướng nghề nghiệp và kế hoạch học tập phù hợp”. - Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)