Cùng với đó là đào tạo, nâng cao tay nghề cho người tự kỷ và khuyết tật để làm các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; tạo thu nhập, giúp phát triển kinh tế cho các gia đình có người tự kỷ và khuyết tật, giảm gánh nặng cho xã hội.
Dựa trên các mục tiêu của mô hình, bà Đào Thanh Hoàn đã cùng đội ngũ lãnh đạo Trung tâm Ngọc Ân chỉ đạo cán bộ, giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân cho từng học viên. Nội dung hoạt động thực nghiệm hướng nghiệp cũng được thực hiện từng bước với 3 nghề: Làm gốm nghệ thuật; sắp lễ thủ công; làm oản nghệ thuật.
Để sản phẩm của người khuyết tật có chỗ đứng, khẳng định thương hiệu trên thị trường, bà Hoàn đã nghiên cứu quảng bá thương hiệu và bán sản phẩm, thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; đăng ký bản quyền mỹ thuật cho nhãn hiệu sản phẩm hướng nghiệp của thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật; lan tỏa và nhân rộng mô hình đến các Trung tâm giáo dục đặc biệt tại Hà Nội và các tỉnh bạn.
Trong quá trình thực hiện mô hình này, Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, do các học viên đa số thuộc gia đình khó khăn. Khả năng và mức độ khuyết tật của mỗi em lại khác nhau. Có những em khuyết tật nặng thì không thể thao tác được các kỹ năng cần độ chính xác cao của sản phẩm.
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống nên các sản phẩm của trung tâm đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ, đón nhận của cộng đồng.
Cuối tháng 9 vừa qua, Dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn TP Hà Nội” của bà Đào Thanh Hoàn đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội biểu dương “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo phụ nữ Thủ đô” năm 2023. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để bà Đào Thanh Hoàn cùng Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Tâm lý giáo dục Ngọc Ân ngày càng phát huy tốt vai trò của mình trong công tác hỗ trợ, hướng nghiệp cho người tự kỷ, khuyết tật thời gian tới.