Hiệu quả từ phòng học thông minh ở Quảng Ninh

28/03/2024, 07:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những năm qua, ngành Giáo dục thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã ứng dụng hiệu quả CNTT và chuyển đổi số vào lĩnh vực GD&ĐT.

Học sinh hứng thú

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ở tất cả các cấp học, xây dựng mô hình các lớp học thông minh, trường học thông minh.

Tại Trường THCS Mạo Khê 2, thị xã Đông Triều, đến nay tất cả các tiết học của học sinh đều được sử dụng công nghệ và khai thác tối đa tính năng của phòng học thông minh, đó là ti vi thông minh màn hình cảm ứng, hệ thống camera, loa, máy tính xách tay…

Trên nền tảng ứng dụng các phần mềm giáo dục phổ biến, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp, hình thành phương pháp dạy và học hiện đại phù hợp xu hướng mới.

Với phương pháp nêu trên, học sinh tham gia chủ động và chịu trách nhiệm với quá trình hình thành, củng cố và mở rộng kiến thức. Các tiết học ngày càng hấp dẫn, việc học trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.

Trong khi đó, giáo viên ngày càng quen thuộc bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng, hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến…

Cô giáo Nguyễn Bích Hoàn (áo đỏ) trong tiết học môn Khoa học tự nhiên.
Cô giáo Nguyễn Bích Hoàn (áo đỏ) trong tiết học môn Khoa học tự nhiên.

Cô giáo Nguyễn Bích Hoàn, giáo viên môn Khoa học tự nhiên cho biết, thường cho học sinh tham gia trò chơi qua phần mềm Quizizz để học sinh có thể trả lời những câu hỏi trắc nghiệm nhằm củng cố lại kiến thức vừa học.

“Cách học này khiến các thoải mái, vui vẻ và hứng thú. Bởi vì nó có bảng xếp hạng, bạn nào trả lời nhanh và chính xác hơn sẽ có thứ hạng sắp xếp từ 1 đến hết, vì vậy các em sẽ có tinh thần ganh đua nhau hơn trong học tập”, cô Hoàn nói.

Theo cô Hoàn, trong phòng học thông minh, bảng tương tác cũng được sử dụng rất hiệu quả, học sinh vẽ trực tiếp trên máy tính, giáo viên có thể trình chiếu bài làm của từng học sinh lên trên màn hình để cả lớp cùng quan sát và nhận xét.

Còn rất nhiều phần mềm ứng dụng khác trong phòng học thông minh như: Kiểm tra khảo sát, giáo viên có thể cho học sinh làm bài kiểm tra trực tuyến và sẽ chấm điểm luôn trên phần mềm đó mà không tốn nhiều thời gian như chấm điểm làm bài ra giấy.

Em Trần Vũ Huyền Thanh, học sinh lớp 8C2 cho biết, nhờ phòng học thông minh, em và các bạn được tiếp xúc nhiều hơn với các ứng dụng học và qua những ứng dụng này được củng cố lại kiến thức cũng như học được nhiều kiến thức mới hơn.

“Cách học này em thấy mình tiếp thu nhanh hơn, vì rất hứng thú với những trò chơi cũng như phương pháp dạy học khi mà kết hợp việc sử dụng máy tính. Qua quá trình học, em thấy các bạn trong lớp rất tích cực trong việc củng cố bài cũng như kiến thức mới được học”, Thanh nói.

Học sinh sử dụng thành thạo các thiết bị trong phòng học

Cô Trần Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường THCS Mạo Khê 2 cho biết, năm 2019, nhà trường được tiếp nhận 15 phòng học thông minh thuộc dự án Xây dựng trường học thông minh cho 66 trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 1).

Qua 4 năm được tiếp cận và sử dụng hệ thống phòng học thông minh, học sinh nhà trường sử dụng thành thạo các thiết bị đã được lắp đặt tại phòng học, các thiết bị này đã hỗ trợ để nâng cao chất lượng học tập của học sinh, chủ động khai thác các tính năng của các trang thiết bị trong quá trình tự học.

100% học sinh được hướng dẫn sử dụng và làm quen với các tính năng của thiết bị, phần mềm giúp các em tự tin, chủ động tham gia các hoạt động.

Thư viện, phòng đọc sách của giáo viên Trường THCS Mạo Khê 2.
Thư viện, phòng đọc sách của giáo viên Trường THCS Mạo Khê 2.

100% học sinh được học tập nội dung bài học qua tương tác với giáo viên thông qua màn hình tương tác. Qua máy tính xách tay để phục vụ việc học tập, học trong môi trường trực tuyến, có sách giáo khoa điện tử và tương tác, nhận được sự trợ giúp của giáo viên, bạn học. Học sinh có thời gian hình thành và rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm...

70% học sinh học tập tự định hướng phù hợp năng lực và đặc điểm của cá nhân. Tự tiếp cận với các tài liệu, tài nguyên học tập và tự học. Sử dụng các công nghệ đa phương tiện để học tập.

Cơ hội học tập mở rộng. Trong một số trường hợp đặc biệt, học sinh vì lý do nào đó mà nghỉ một số ngày trong năm học các em vẫn có cơ hội tiếp cận được nội dung học tập thông qua bài học trực tuyến hoặc học bài ở nhà qua hình thức lớp học trực tuyến, làm bài kiểm tra trực tuyến.

Theo cô Tuyết, 100% các hoạt động trong nhà trường triển khai nền tảng quản trị dựa trên dữ liệu và công nghệ số, như: quản lý học sinh (quản lý hồ sơ, kết quả học tập), quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo kết nối thông suốt trong hệ thống quản lý trường học trực tuyến của tỉnh và cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.

Đồng thời triển khai các phân hệ trong hệ thống quản lý trường học trực tuyến đã được xây dựng. Năm học 2023-2024 nhà trường thực hiện thêm mục quản lý thông tin y tế trường học, quản lý thông tin về sức khỏe học sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả từ phòng học thông minh ở Quảng Ninh