Với vai trò quản lý và tham gia giảng dạy theo quy định đầy đủ, cô Trần Thị Hợi gặp một số khó khăn như: Giờ dạy trùng với lịch đi kiểm tra, đi họp. Do đó, với lịch công tác có sẵn, cô Hợi chủ động đổi tiết dạy cho giáo viên bộ môn và dạy vào hôm trước; Nếu lịch đột xuất, đổi tiết và dạy thay cho giáo viên hôm sau nhưng vẫn đảm bảo đứng lớp 2 tiết/tuần.
“Việc giảng dạy không gặp nhiều khó khăn vì số tiết dạy trong tuần không nhiều, có thể linh hoạt đổi tiết học với các giáo viên khác. Hơn nữa, đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy nên khi đứng lớp, tôi không mất nhiều thời gian để làm quen và hòa nhập…”, cô Thắm khẳng định.
Cô Ong Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Văn Quan (huyện Văn Quan, Lạng Sơn), chia sẻ: “Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nên đứng lớp để duy trì chuyên môn, nắm những thay đổi trong chương trình để phục vụ việc chỉ đạo, điều hành công tác chuyên môn thuận lợi hơn”.
Xuất phát là giáo viên dạy Tiếng Anh, hiện nay, cô Thắm vẫn giảng dạy bộ môn này cho riêng một lớp với định mức là 3 tiết/tuần (thừa giờ so với quy định). Để cân bằng thời gian giữa công tác quản lý và giảng dạy, cô Thắm dành cuối tuần soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng cho cả tuần. Thời gian trong tuần, cô thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quản lý.
Do phải tham dự nhiều cuộc họp của ban ngành, địa phương, nên cô Thắm cho biết đôi khi tiến độ lên lớp không đảm bảo. Những ngày đi họp trùng với giờ dạy, cô phải điều tiết sang hôm khác và đổi giờ dạy cho giáo viên để đảm bảo dạy đủ 3 tiết/tuần và truyền đạt đủ kiến thức cho học sinh. Song song đó là đảm bảo công tác quản lý các hoạt động nhà trường.
Theo cô Thắm, cán bộ quản lý nên duy trì giảng dạy bởi nếu không, họ không thể nắm vững chuyên môn, không thể chỉ đạo giáo viên. Đặc biệt, trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc đứng lớp giúp cán bộ quản lý nắm vững yêu cầu, nội dung và mục tiêu chương trình.
Có thâm niên trong công tác quản lý, cô Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Hoa Lư, Ninh Bình) nhìn nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như những “đầu tàu”, trực tiếp chỉ đạo hoạt động chuyên môn nhà trường nên không thể xa rời việc dạy học, cần đứng lớp giảng dạy đúng số tiết theo quy định.
Mặt khác, tham gia vào thực tế dạy học, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng có cơ hội hiểu hơn hoàn cảnh, tính cách, kết quả học tập… của học sinh; Đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục, triển khai Chương trình GDPT 2018 càng đòi hỏi cán bộ quản lý, nắm vững nội dung chương trình, từ đó có chỉ đạo sát sao, cụ thể, đưa ra giải pháp điều chỉnh kịp thời.
“Đứng lớp giảng dạy là hành trình giúp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tự bồi dưỡng chuyên môn; hiểu và chia sẻ với khó khăn của giáo viên khi dạy học. Đây cũng là hình thức kiểm tra gián tiếp đối với giáo viên về việc thực hiện nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh”, cô Mỹ cho hay.
Từ hành trình thực tế bản thân, cô Mỹ nhận thấy hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ có lúc không thể chủ động lịch dạy do thực hiện các nhiệm vụ khác của người quản lý. Bên cạnh đó, nếu phải đi tập huấn dài ngày, thầy cô sẽ không đảm bảo giảng dạy đủ 2 tiết/tuần và phải phân công giáo viên dạy thay hoặc dạy bù trong thời gian tiếp theo. Vì vậy, cô Mỹ kiến nghị trong một số thời điểm như đầu năm học, ban giám hiệu có thể được linh hoạt trong việc thực hiện quy định trên cho phù hợp với thực tế công việc.
Ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn - cho rằng, việc duy trì đứng lớp giúp cán bộ quản lý trong các trường học nắm vững chuyên môn, quản lý sát sao.
“Giáo dục là ngành đặc thù, nếu người quản lý không nắm vững chuyên môn, tình hình học tập của học sinh, việc dạy của giáo viên thì công tác điều hành, chỉ đạo chuyên môn sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, trong mỗi giai đoạn, học sinh có những nhu cầu tiếp cận kiến thức, giao tiếp xã hội khác nhau. Để bồi đắp mối quan hệ thầy trò, cần tiếp xúc, giảng dạy và đồng hành với các em. Người quản lý phải có cái nhìn tổng thể nên việc đứng lớp vô cùng cần thiết…”, ông Hiền phân tích.
Hiện nay, để quản lý giờ dạy theo quy định của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan thông qua hệ thống hồ sơ của nhà trường, cụ thể là bảng phân công công tác, thời khóa biểu, sổ đầu bài, sổ báo giảng nhà trường và giáo án. Mặt khác, “hàng năm, chúng tôi sẽ dự giờ dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng qua các đợt kiểm tra chuyên môn nhà trường. Khi phát hiện những cán bộ quản lý không thực hiện giảng dạy theo quy định, Phòng GD&ĐT tiến hành nhắc nhở, lập biên bản, đề xuất UBND huyện tiến hành kiểm điểm về vi phạm quy chế chuyên môn, thu hồi phụ cấp đứng lớp theo quy định và đánh giá thi đua, viên chức cuối năm…”, ông Hiền cho biết.
Cô Hoàng Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Ấm, (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), chia sẻ: “Khi lên lớp, tôi được trải nghiệm và nắm thực tế những đổi mới trong giáo dục. Vì vậy, thực hiện mỗi tiết dạy tôi đều cảm thấy hào hứng, thích thú. Không những thế, giai đoạn này toàn ngành Giáo dục đang triển khai Chương trình GDPT 2018, thực dạy càng giúp tôi nhìn ra những khó khăn, thuận lợi và có phương án hỗ trợ cho giáo viên tốt nhất…”.