Mới đây, Trường ĐH Công đoàn và Học viện Công nghệ Melbourne (Australia) ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 – 2028. PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hai bên cam kết hỗ trợ trong một số lĩnh vực như: Chương trình chuyển tiếp sinh viên 2+2 ngành Kinh doanh trình độ cử nhân; đào tạo cử nhân và thạc sĩ tại Học viện Công nghệ Melbourne dành cho sinh viên Việt Nam. Cùng đó là hoạt động trao đổi giảng viên, cán bộ giữa hai bên và đồng tổ chức các bài giảng, hội thảo và hội nghị.
Theo PGS.TS Lê Mạnh Hùng, thỏa thuận hợp tác trên phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển bền vững và tích cực của Trường ĐH Công đoàn, góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng nguồn nhân lực, thúc đẩy quốc tế hóa trong giáo dục. Mô hình hợp tác, trao đổi sinh viên, giảng viên mở ra những cơ hội học tập và giảng dạy mới, đồng thời mang đến giá trị thiết thực cho người học và xã hội.
Song, làm sao để “xứng đồng tiền bát gạo” là vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra với mô hình hợp tác đào tạo như trên. PGS.TS Ngô Đăng Tri – nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, hợp tác, trao đổi, liên kết đào tạo với quốc tế là việc nên làm, cần thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là xu hướng không thể đảo ngược nếu muốn hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tuy nhiên, sinh viên học tập theo chương trình 2+2, 3+1 (2 - 3 năm học trong nước; 1 - 2 năm học ở nước ngoài) thường phải đóng phí nhiều hơn so với việc học tập hoàn toàn trong nước. Vì thế, rất mong các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi ích kinh tế mà đánh bóng các chương trình đào tạo để chiêu sinh. Chủ trương này cần xuất phát từ quan điểm lấy người học làm trung tâm, trên hết vì uy tín, thương hiệu và sự phát triển bền vững của nhà trường.
Đồng quan điểm, ông Lê Tuấn Tứ - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV khuyến nghị, các trường cần thực hiện đúng cam kết với người học theo tiêu chí: Uy tín và chất lượng. Các hoạt động, chương trình đào tạo theo mô hình hợp tác phải được kiểm định chất lượng quốc tế hoặc quy định của các trường đại học, tổ chức đào tạo nước ngoài. Phía người học cần tìm hiểu kỹ về chương trình/cơ sở đào tạo có hình thức trao đổi sinh viên trước khi quyết định đăng ký tham gia, tránh tình trạng “xôi hỏng bỏng không”.
Ngoài thực hiện trao đổi sinh viên với trường quốc tế, ông Lê Tuấn Tứ mong muốn thúc đẩy hoạt động này giữa các trường trong nước. Bộ GD&ĐT đã có quy định về trao đổi sinh viên và hợp tác trong đào tạo. Điều này thể hiện rõ nét trong Quy chế đào tạo trình độ đại học. Các cơ sở có thể vận dụng cơ chế này để triển khai các hoạt động trao đổi sinh viên hiệu quả.
Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2013 - 2022, Bộ đã cử hơn 11.600 người (trên 4.000 tiến sĩ, gần 1.900 thạc sĩ, hơn 5.000 đại học và 661 thực tập) đi học ở nước ngoài tại 40 nước. Trong đó, số lượng giảng viên, viên chức các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng được cử đi học ở nước ngoài là hơn 3.500 người (trên 3.200 tiến sĩ, 258 thạc sĩ, 52 thực tập). Đến hết năm 2022, các đề án, chương trình học bổng Hiệp định đã có khoảng 7.100 người tốt nghiệp, về nước.