Hình tượng con mèo trong văn hóa dân gian

Trần Hoà | 18/01/2023, 15:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong 12 con giáp, mèo đứng vị trí thứ 4 nhưng lại mang những đặc điểm nổi bật cũng như ý nghĩa quan trọng trong văn hóa dân gian.

Trong 12 con giáp, mèo là một trong bảy loài vật thường được con người gần gũi nuôi dưỡng. Và theo lẽ tự nhiên, hình tượng con mèo đã đi vào thơ ca, ca dao, tục ngữ, trở thành hình ảnh trong các tác phẩm nghệ thuật, văn học, âm nhạc…

Mèo tượng trưng dương khí

“Khôn ngoan có ích cho người, nhưng mèo lại bị khoác cho những tính xấu. Đó cũng là một sự hi sinh về cái danh để đem lại cái lợi cho người đời. Tuy nhiên xét cho cùng, trong văn hóa dân gian - dù xấu hay đẹp cũng chỉ là hình tượng ví von. Xưa kia khi khoa học chưa phát triển, con người còn hay đổ lỗi cho mèo - như sĩ tử đi thi gặp mèo đen, thi trượt lại cho rằng do mèo ám. Ngày nay, những quan niệm tương tự không còn”. Nhà nghiên cứu Hồ Nam

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Nam cho biết, Việt Nam và Trung Quốc tuy có phần đồng điệu về văn hóa nhưng cũng rất khác biệt. Hệ 12 con giáp ở Việt Nam gần giống với Trung Quốc, nhưng khác là con thỏ được thay thế bằng con mèo.

Theo ông Nam, điều này từng được một số chuyên gia văn hóa lý giải và đưa ra phỏng đoán, rằng trong quá trình tiếp biến văn hóa, biểu tượng của Địa chi (Trung Quốc) có cách đọc là “mảo” (nghĩa là thỏ) đồng âm với “mao” (nghĩa là mèo) nên mới có sự khác biệt.

Trong bảy vật nuôi trong nhà gồm trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn thì mèo tuy không phải vật nuôi mang lợi ích kinh tế, nhưng lại là người bạn thân thiết chuyên bắt chuột bảo vệ thành quả lao động của con người nên rất được yêu quý. Bởi Việt Nam thuộc nền văn minh lúa nước nên những quan niệm về loài mèo được hình tượng hóa và đi vào văn hóa dân gian như một lẽ tất yếu.

Dân gian đã gán cho mèo biết bao tính xấu của con người, góp phần răn dạy phê phán và rút ra bài học về lẽ sống. “Chú chuột đi chợ đàng xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo” - Cha chú mèo - ở đây chính là một lời chửi khéo của chuột.

Từ xa xưa, người làng Đông Hồ đã sáng tạo bức tranh dân gian nổi tiếng “Đám cưới chuột”, trong đó chú mèo được biếu một đôi cá chép bự. Mèo tượng trưng cho một thế lực thống trị tinh ranh, nguy hiểm và phải chăng - lũ chuột thấp cổ bé họng kia phải lo lót hậu hĩnh cho chú mèo thì đám cưới mới yên bề trót lọt.

Hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Tết Đông Hồ, mà người nghệ nhân dân gian còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục (Quảng Ninh), cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang (Hải Phòng), phản ánh nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này.

Trong chu kỳ lịch pháp, con mèo được giao quản năm Mão, tháng 2 và từ 5 - 7 giờ của buổi bình minh. Từ giờ Mão, phương Đông nhuốm hồng ánh dương rồi tỏa lên bầu trời những tia sáng đẹp. Vào tháng 2 - tháng Mão, khí trời bắt đầu ấm, mưa bụi bay nhè nhẹ, cây cối nảy lộc đâm chồi. Vì thế, Mão trong ngũ hành được gắn với mùa xuân, thuộc hành Mộc, hàm ý dương khí bắt đầu thịnh, vạn vật sáng tươi.

Trong con mắt người đời, con mèo lại có một cuộc sống hai mặt - là kẻ trưởng giả an nhàn nằm dài trên chiếc gối nệm, hiền lành dụi thân hình mềm mại khi được con người ve vuốt và là tên sát thủ đáng gờm trong góc nhà. Thế nhưng chỉ họa hoằn con người mới thấy được khía cạnh sát thủ của mèo khi nó tha con chuột, còn bình thường, nó chỉ là một chú mèo hiền lành, lười nhác.

Hình tượng con mèo trong văn hóa dân gian ảnh 1
Mão trong ngũ hành được gắn với mùa xuân, vạn vật phát triển.

Mèo trong ca dao, tục ngữ

Theo giới nghiên cứu, những câu thành ngữ, tục ngữ nói về mèo có thể xếp thành ba nhóm. Thứ nhất là dùng mèo để chỉ loại người lăng nhăng, làm ăn dối trá: “Mèo mả gà đồng” - chỉ loại người vô giáo dục, sống buông thả.

“Mèo già hóa cáo” - chỉ hạng người tinh ranh nguy hiểm càng sống lâu càng quỷ quyệt. “Mèo đàng chó điếm” - chỉ loại người bịp bợm ăn chơi đàng điếm. “Chó khô mèo lạc” - chỉ hạng người vô học, lang thang.

Ngoài ra còn những câu cửa miệng, như: Ăn cơm mèo, nói leo các cụ; Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa; Chưa học bắt chuột đã học ỉa bếp…

Nhóm thứ hai dùng hình tượng mèo để khen chê, thắng bại, nguy hiểm, thừa thiếu: Mèo vờn chuột, chuột gặm chân mèo - dùng để chỉ những hành động dại dột, liều lĩnh. Có khi để chỉ một hành động vừa sức mình: Mèo nhỏ bắt chuột con. Để chỉ một việc quá sức mình lại có câu: Mèo nhỏ bắt chuột to. Khi chỉ một hành động chưa chắc ai thắng ai, có câu: Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.

Khi phê phán loại người không thấy mình xấu mà chỉ đi soi mói người khác, ca dao có câu: Mèo già chê chó lắm lông/ Chó cười lại bảo kém ông cha mày. Trong khi đó, câu “Chó treo mèo đậy” dạy mỗi người một bài học về tính cẩn thận, cảnh giác. Còn khi chỉ sự gặp may bất ngờ trong cuộc sống, có câu: Mèo mù vớ cá rán.

Nhóm thứ ba chỉ sự khát khao, hớ hênh, cạnh khóe, thất vọng, bất đắc dĩ: Thành ngữ “Mỡ để miệng mèo” ám chỉ sự phô bày hớ hênh, dễ kích thích cho kẻ xấu đánh cắp. “Mèo thấy mỡ” lại chỉ sự thèm muốn, khát khao không nhịn được.

Khi cần chỉ sự tức giận, bất bình, cạnh khóe có câu: Chửi mèo quèo chó, chửi chó mắng mèo, đá mèo quèo rế. Chỉ sự mâu thuẫn không hòa hợp: Ăn ở như chó với mèo. Những kẻ buồn bã, ỉu xìu thất vọng thì được so sánh “tiu nghỉu như mèo mất tai”.

Hình tượng con mèo trong văn hóa dân gian ảnh 2
Quan niệm một số quốc gia cho rằng, mèo gắn liền với hình tượng ma quỷ và chết chóc.

Quan niệm xưa về loài mèo

Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, con mèo được tôn vinh là một loài vật linh thiêng. Trong những văn tự cổ nhất, tìm thấy ở kim tự tháp, có nhắc đến một nữ thần mèo tên là Madfet.

Người Ai Cập cổ còn tôn thờ nhiều thần mèo khác, nhưng nổi bật nhất là thần mèo Bastet, dưới hình dạng một phụ nữ với cái đầu mèo đen. Đây là vị thần bảo trợ phụ nữ và trẻ em, được người dân Ai Cập ngưỡng mộ và tôn thờ.

Trong tâm thức sâu thẳm, người Ai Cập xưa luôn tin tưởng rằng nữ thần mèo sẽ bảo vệ tất cả mọi người. Vì thế mà ở Ai Cập, hình ảnh con mèo đã xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống: Trên các loại đồ trang sức bằng vàng, trên cán cầm tay của chiếc gương soi của phụ nữ, hình vẽ trên khuôn mặt các xác ướp… và nếu một người nông dân Ai Cập nằm mơ thấy mèo, anh ta sẽ coi đó là điềm báo trước của một vụ mùa bội thu.

Ở Việt Nam cũng có nhiều người mê tín cho rằng, nếu mèo đen nhảy qua xác một người mới chết thì người đó sẽ hóa thành quỷ nhập tràng. Và dân gian vẫn lưu truyền câu tục ngữ: Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang.

Cũng có quan niệm cho rằng, người chết chưa khâm liệm nếu không canh kỹ, để mèo đen nhảy qua, xác chết sẽ bật dậy ngay. Mèo ma nhất là loại sinh vào giờ Mão (5 - 7 giờ sáng), tháng Mão, năm Mão, bị nghi ngờ có liên hệ với cõi âm nhiều nhất.

Dân gian còn cho rằng, mèo gào vào lúc nửa đêm là điềm báo sẽ có tai ương, kêu 7 tiếng thì sẽ có người phải lìa đời, kêu 9 tiếng thì như oan hồn người chết về nhập vào con mèo để đi đòi mạng người sống. Những con mèo hay gào vào đêm được cho là quỷ dữ, chuyên báo hiệu cái chết.

Hình tượng con mèo trong văn hóa dân gian ảnh 3
Không chỉ trong văn học dân gian Việt Nam, mèo trong văn chương nước ngoài cũng thường được chọn để thể hiện tính lười biếng.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, nhà văn Tô Hoài - bậc thầy viết truyện về loài vật, trong tác phẩm “O chuột” đã tả về con mèo bằng những dòng thật sinh động: “Mèo lừ đừ và nghiêm nghị tựa một thầy giáo nhà dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả. Lúc nào hắn cũng ra vẻ nghĩ ngợi như sắp mưu toan một việc gì ghê gớm lắm. Có phải thế chăng, hỡi các gã lù đù và nghiêm nghị kia? Gã lại làm ra vẻ khó hiểu hơn. Nhưng cái vẻ ngoài chưa đủ nói rõ được bề trong của con người ta. Biết đâu mèo ta không khó chịu như mình tưởng. Mà vốn hắn lại lành hiền cũng nên”.

Còn nhà thơ Nguyễn Công Trứ - nhà khoa bảng lớn, quan đại thần dưới triều Nguyễn, người đã kinh qua các chức vụ lãnh đạo từ Tổng đốc, Thượng thư Bộ binh đến Thừa Thiên Phủ doãn… Bất cứ ở cương vị nào cụ cũng được nhân dân tin yêu kính trọng, nhưng thường bị bọn Lý Miêu trong triều ghen ghét, gièm pha.

Năm lần bị cách chức, giáng chức, có lần bị án “trảm giam hậu”, lần khác bị đày xuống làm lính thú ở Quảng Ngãi. Và tương truyền, cụ đã gửi gắm tâm sự của mình qua câu đồng dao: “Con mèo nằm bếp lo xo/ Hay ăn mà lại ít lo, ít làm/ Con ngựa đi Bắc về Nam/ Ít ăn mà lại hay làm hay lo”. Con mèo nằm bếp - mà Nguyễn Công Trứ nói đến chính để ám chỉ bọn Lý Miêu, mà bất cứ thời nào cũng có trong xã hội.

Bài liên quan
Uống với bạn 2 chén rượu, tài xế méo mặt khi nhận biên bản xử phạt nồng độ cồn
Khi bị Cảnh sát giao thông đội 14 (Hà Nội) xử phạt vi phạm nồng độ cồn, tài xế cho biết đã uống 2 chén rượu cùng bạn nhưng không ngờ bị phạt nặng đến thế.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hình tượng con mèo trong văn hóa dân gian