Trong năm 2024, việc xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, với các chính sách hỗ trợ và dự án mới được triển khai, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cả nước.
Bộ KH&CN cho biết, thời gian qua, Bộ đã tích cực xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghệ cao (trong đó có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung). Điểm nổi bật là việc tăng cường vai trò chủ động của các địa phương trong quy hoạch, đảm bảo định hướng phát triển bền vững.
Trong năm 2024, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 01/02/2024 về khu công nghệ cao. Đồng thời, Bộ cũng ban hành theo thẩm quyền thông tư quy định một số tiêu chí xác định dự án đầu tư cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao đầu tư vào khu công nghệ cao.
Cùng với đó, Bộ đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện và nghiên cứu đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung tổng thể (hoặc thay thế) Nghị định số 74/2017/NĐ-CP, xác định các cơ chế, chính sách còn vướng mắc và chưa đầy đủ để đề xuất Chính phủ tháo gỡ và quy định bổ sung cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc; bảo đảm đồng bộ, phù hợp trong bối cảnh triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đáng chú ý, năm 2024, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội; đang tiến hành các thủ tục để thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu công nghệ cao Hà Nam, thẩm định hồ sơ đề án thành lập Khu công nghệ cao Cần Thơ.
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cả nước đã có 5 khu công nghệ cao được thành lập gồm: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TPHCM, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ cao sinh học Đồng Nai, Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội.
Trong đó, 3 khu công nghệ cao quốc gia (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TPHCM, Khu công nghệ cao Đà Nẵng) đã thu hút nhiều dự án đầu tư từ các tập đoàn/công ty có uy tín trên thế giới về công nghệ cao, các dự án nghiên cứu và phát triển lớn, đồng thời hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Các khu công nghệ cao này đã sản xuất được các sản phẩm công nghệ cao, góp phần đáp ứng thị trường trong nước và khu vực, đặc biệt, bắt đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất, thiết lập môi trường sáng tạo công nghệ với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo.
Theo đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, sau 25 năm phát triển, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã có 108 dự án đầu tư, bao gồm 93 dự án trong nước và 15 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký khoảng 116.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, FPT, VNPT, Mobifone và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST)...đã đặt trụ sở tại đây.
Trong giai đoạn phát triển mớ, Khu công nghệ cao Hòa Lạc tập trung thu hút các dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ mới và tiên tiến hơn, có tác dụng lan tỏa, dẫn dắt và nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất quốc gia và toàn cầu.
Tại miền Trung, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cũng đang mở rộng với diện tích quy hoạch 1.128,4 ha, được chia thành 6 phân khu chức năng như: Khu sản xuất công nghệ cao; khu nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao...
Thành phố Đà Nẵng đang triển khai hiệu quả Đề án Tổng thể phát triển Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030, trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút nguồn vốn.
Theo nhận định của các chuyên gia, với những bước tiến lớn trong phát triển các khu công nghệ cao, Việt Nam không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh về công nghệ mà còn tạo ra những động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn tới.