Phát biểu tại đây, TS Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thể chất nhấn mạnh, trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn xem con người là nhân tố có tầm quan trọng đặc biệt. Trong 10 năm qua, thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết 29/NQ-TW, Bộ GD&ĐT đã nghiêm túc triển khai đổi mới một cách căn bản và toàn diện.
Những thành tựu đạt được của ngành Giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ đổi mới là nhằm thực hiện chủ trương, quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước "coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu", "đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển".
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc phiên họp. |
Giáo dục thể chất góp phần hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh. Thông qua việc trang bị kiến thức về sức khoẻ, quản lý sức khỏe và rèn luyện, giáo dục thể chất đã giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực thể chất và văn hoá thể chất, ý thức trách nhiệm đối với sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh những thành tựu về đổi mới của ngành giáo dục đã đạt được, không thể không nhắc đến công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học. Ngoài ra, các em biết lựa chọn môn thể thao phù hợp với năng lực vận động của bản thân để luyện tập; biết thích ứng với các điều kiện sống, lạc quan và chia sẻ với mọi người; có cuộc sống khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần.
Ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT. |
Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất cho biết, việc ban hành các chính sách ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thể chất; chế độ cho giáo viên dạy Giáo dục thể chất ở những vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, hải đảo để đảm bảo đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất đủ về số lượng và tốt về chất lượng đã và đang được tính toán kĩ.
Đại diện các trường đại học, địa phương đưa ra ý kiến góp ý về dự thảo báo cáo. |
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến góp ý quan trọng để đẩy mạnh hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học. Nhiều trường mong muốn tổ chức nhiều giải thể thao học sinh, sinh viên hơn trong thời gian tới. Từ đó, kết hợp với các giải thể thao thành tích cao sẽ góp phần nâng cao sức khỏe thể chất học đường cho các em.
Thầy Lý Quốc Biên đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, Viện đã đi sâu khảo sát ở các nhà trường để nắm bắt thực tế. Sự quan tâm của xã hội với Giáo dục thể chất còn hạn chế, giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất còn chưa đủ tự tin. Số lượng giáo viên cơ bản kiêm nhiệm dạy Giáo dục thể chất, nhất là ở Tiểu học còn rất lớn.
GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. |
GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực khẳng định tầm quan trọng của giáo dục thể chất trong trường học. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị và nhân lực. Đây là các yếu tố quyết định sự thành công của giáo dục thể chất nhưng đang còn thiếu và yếu. Do đó, cần tiếp tục đổi mới về cấu trúc chương trình giáo dục thể chất...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh thẳng thắn nhìn nhận một số bất cập về giáo dục thể chất trong nhà trường thời gian qua. Thứ trưởng cũng nhận định, Giáo dục thể chất được gắn liền với giáo dục trí dục, đức dục, mỹ dục và giáo dục lao động. Giáo dục thể chất là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh trong nhà trường.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu thời gian tới, Vụ Giáo dục thể chất cần phối hợp cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Đề cương báo cáo đánh giá tổng kết đổi mới công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng; tiếp thu đưa các ý kiến góp ý về thành tựu, hạn chế, giải pháp vào báo cáo.
Các đại biểu cùng dự phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Giáo dục thể chất chụp ảnh lưu niệm. |
Về giải pháp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng cần hoàn thiện hệ thống chính sách để thu hút nguồn lực phục vụ cho giáo dục thể chất và các hoạt động thể dục, thể thao trường học. Trong đó có chính sách tăng cường xã hội hoá, chính sách tăng cường hợp tác công tư.
Phát động các sáng kiến phong trào đẩy mạnh hoạt động thể dục, thể thao trong trường học. Có thể kể tới như các phong trào; các cuộc thi cộng đồng học sinh, sinh viên; các hoạt động đại học thể dục, thể thao, thi đấu, giao lưu giữa học sinh, sinh viên trong nước với quốc tế.
Tiếp theo là đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục thể chất, hoạt động thể dục, thể thao trường học; quản trị nhà trường về giáo dục thể chất; Xây dựng hệ dữ liệu về thể chất học sinh, sinh viên để theo dõi và phát triển thể chất cho học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại phục vụ giáo dục thể chất phù hợp với điều kiện của quốc gia và của từng địa phương; tận dụng các phương án “sử dụng chung” trong cộng đồng để tăng hiệu quả của các cơ sở vật chất được đầu tư, xây dựng. Tăng cường tuyên truyền, vận động để đẩy mạnh sự phối hợp gia đình – nhà trường và xã hội trong các hoạt động giáo dục thể chất, thể dục, thể thao trường học cho học sinh, sinh viên.