Hoàn thiện và đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật lĩnh vực Giáo dục

Hiếu Nguyễn | 19/12/2022, 17:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Công tác xây dựng thể chế của ngành Giáo dục được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023.

Trong hơn 2 năm qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Giáo dục - Đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề; nhất là việc bảo đảm dạy và học, cũng như triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng.

Trong tình hình đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Một mặt để bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục - Đào tạo; nhưng cũng đồng thời tích cực triển khai công tác cải cách thể chế, phần công tác tư pháp trong lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo.

Cải cách thể chế về Giáo dục - Đào tạo tập trung vào việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của ngành và liên quan đến ngành. Lựa chọn theo thứ tự ưu tiên để tiến hành sửa chữa, sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với thực tiễn hoạt động của ngành Giáo dục - Đào tạo.

Ngày 19/11/2018, Quốc hội ban hành Luật số 34/2018/QH14 Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019. Luật 34 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bảo đảm sự hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngày 14/6/2019, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14), thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009, có hiệu lực kể từ 1/7/2020.

Luật Giáo dục năm 2019 đã khắc phục được rất nhiều những nhược điểm của Luật cũ. Bên cạnh đó, bổ sung thêm những quy định mới nhằm kịp thời cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, hội nhập quốc tế theo Nghị quyết 29 của Đảng; phù hợp và đồng bộ với một số Luật mới ban hành.

Chia sẻ những điểm mới cơ bản của Luật Giáo dục 2019, Bộ trưởng cho biết: Luật đã quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Làm rõ khái niệm, nguyên tắc của cơ chế hướng nghiệp và phân luồng liên thông, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn; bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người.

Luật Giáo dục 2019 cũng luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường.

Quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học. Quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập. Quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục.

Hoàn thiện và đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật lĩnh vực Giáo dục  ảnh 1

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023.

Để hoàn thiện và đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng 20 nghị định và trình Chính phủ ban hành; 32 nghị quyết, quyết định, chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ và đã ban hành theo thẩm quyền; nhiều thông tư được cụ thể cho Luật 34 và Luật Giáo dục 2019.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Bộ trưởng cũng chia sẻ ngành Giáo dục có một số việc gặp phải khó khăn trong quá trình rà soát, hệ thống hóa, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Như về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Trong quá trình xây dựng, soạn thảo, liên quan đến Luật Giáo dục, các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục là những văn bản khá phức tạp, có liên quan đến nhiều bộ ngành và phạm vi ảnh hưởng rộng. Một số văn bản phải xin ý kiến và thống nhất ý kiến với nhiều bộ ngành trong một thời gian khá dài. Nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động triển khai cho các nhiệm vụ tư pháp có phần còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với rà soát và hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật: Việc tập hợp các văn bản được ban hành trong khoảng 20 năm trở về trước để đưa vào tập hệ thống hóa còn khó khăn do công tác lưu trữ có phần còn hạn chế. Hoạt động của trang cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật còn chưa ổn định, dẫn đến có khó khăn nhất định trong cập nhật hệ thống dữ liệu văn bản pháp luật.

Từ đó, Bộ trưởng đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện trang cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật để thuận tiện hơn trong quá trình cập nhật văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang Bộ.

Đề nghị Bộ Tài chính ban hành văn bản quy định về mức chi cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Sửa đổi Thông tư liên tịch 122/2011/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp ban hành để phù hợp với thực tiễn.

Trong phát biểu, Bộ trưởng đồng thời gửi lời chúc mừng Bộ Tư pháp về những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2022 và cảm ơn ngành Tư pháp, lãnh đạo Bộ Tư pháp trong năm qua đã luôn đồng hành, phối hợp, hỗ trợ để ngành Giáo dục - Đào tạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoàn thiện và đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật lĩnh vực Giáo dục