Cần triển khai đồng bộ
Tỉnh Tiền Giang đã áp dụng học bạ điện tử nhiều năm qua. Được triển khai đồng bộ, sổ điểm, học bạ điện tử là một trong những giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, tăng công khai minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh. Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, tỉnh triển khai có hiệu quả học bạ điện tử, sổ điểm điện tử và khai thác sử dụng phần mềm Mạng giáo dục VnEdu trên địa bàn. Hiện, tỷ lệ sử dụng học bạ điện tử là 100% ở các trường THCS và trường THPT.
Cô Đàm Thị Xuân Uyên, giáo viên Trường THCS Lê Ngọc Hân (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) nhìn nhận: Học bạ điện tử giúp nhà trường dễ dàng quản lý điểm số của học sinh, giáo viên cũng giảm bớt công việc, có điều kiện tập trung vào chuyên môn. Về phía học sinh, học bạ điện tử giúp thuận tiện hơn khi chuyển trường, chuyển cấp. Hệ thống học bạ điện tử thống nhất, an toàn, có thể liên thông dữ liệu cho các trường đại học, cao đẳng. Như vậy, các em lớp 12 không phải mất thời gian scan học bạ khi xét tuyển hoặc phải rút ra, nộp vào như trước…
Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc triển khai học bạ điện tử chưa đồng bộ. Do chưa có hướng dẫn sử dụng trong toàn quốc, mỗi tỉnh, thành thực hiện một kiểu. Vì thế, học sinh tỉnh này chuyển trường sang tỉnh khác vẫn phải xin bản học bạ truyền thống, bởi hai hệ thống không liên thông. Trước khó khăn này, các trường và địa phương đang triển khai học bạ điện tử kiến nghị Bộ GD&ĐT đồng bộ hóa dữ liệu, khắc phục các bất cập về công nghệ để tiến tới ban hành hướng dẫn về quy trình, cách thức quản lý sổ điểm, học bạ điện tử, nhằm tạo thuận tiện cho học sinh, tối giản các thủ tục. Khi có một hệ thống chung cả nước, các hướng dẫn sẽ thống nhất, tạo sự yên tâm cho địa phương khi sử dụng…
Ở góc độ trường đại học, cao đẳng, trong phương án tuyển sinh có sử dụng xét tuyển dựa trên kết quả học tập học bạ của học sinh, các trường mong muốn việc ứng dụng học bạ điện tử được thống nhất, đồng bộ. Qua đó giúp đơn vị yên tâm và tin tưởng vào phương án xét tuyển.
Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, năm 2022, trường tuyển sinh 20 ngành với 1.520 chỉ tiêu. Theo đó có 3 phương thức xét tuyển: Điểm học bạ; Điểm thi tốt nghiệp THPT và Điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM. Trong đó, tỷ lệ chỉ tiêu xét học bạ là 70% nên việc các trường THPT có học bạ điện tử được công khai rất thuận lợi cho học sinh và các trường dùng phương thức xét tuyển học bạ.
“Tuy nhiên, việc này đòi hỏi có phần mềm quản lý thống nhất nguồn dữ liệu trong ngành Giáo dục và các trường THPT phải cập nhật chính xác thông tin của học sinh THPT ngay từ năm lớp 10 và cần cập nhật theo từng học kỳ để có thể đánh giá toàn diện năng lực học trò”, TS Nguyễn Tuấn Khanh cho nói.