Giáo dục

Học lịch sử từ những chuyến đi

01/07/2024 07:57

Tham quan bảo tàng, di tích văn hóa, lịch sử… là những hình thức giảng dạy lịch sử đạt hiệu quả cao.

Khác với tài liệu, kiến thức sách vở khô khan, hiện vật ở những nơi này có sức hấp dẫn, thuyết phục và gây ấn tượng với người học.

Vừa học vừa trải nghiệm

Có niềm đam mê với môn Lịch sử, Trần Thanh Thư - sinh viên năm nhất Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM thường cùng nhóm bạn làm nhiều đề tài và quay phim tại bảo tàng, khu di tích. “Qua trải nghiệm trực tiếp, em có thể nhìn rõ tư liệu lịch sử, phát huy vai trò chủ động tìm hiểu kiến thức, phối hợp nhóm, lựa chọn không gian hoạt động… Nhờ vậy, em dễ ghi nhớ, khắc sâu nội dung bài học”, Thư nói.

Để hoàn thành bài kiểm tra cuối kỳ môn “Nghiên cứu khoa học văn hóa”, Nguyễn Ngọc Trâm - sinh viên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TPHCM và các bạn đã chia nhóm để nghiên cứu chủ đề khác nhau về văn hóa tại TPHCM. Nhóm của Trâm chọn chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bến Nhà Rồng” bằng cách tìm tư liệu, khảo sát số lượng người tham quan, tổng hợp thông tin làm báo cáo trong 1 tháng.

TS Lê Đức Sơn - Trưởng khoa Giáo dục Quốc phòng, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, Khoa Giáo dục Quốc phòng của Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã tổ chức tham quan bảo tàng tại TPHCM, khu Di tích địa đạo Củ Chi. Những bài học đó có giá trị ý nghĩa lịch sử lớn, đôi khi hiệu quả hơn ngồi trên giảng đường. “Tổ chức cho học sinh, sinh viên đi tham quan cần sự chu đáo, bài học phù hợp lứa tuổi, kết hợp lồng ghép nội dung học tập với hoạt động vui chơi”, TS Sơn chia sẻ.

Trước đó, dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 46 sinh viên Trường ĐH Công nghệ Miền Đông tham gia chương trình trải nghiệm tham quan Dinh Độc Lập nằm trong môn “Văn hóa Việt Nam”. Vũ Quỳnh Trang - sinh viên Trường ĐH Công nghệ Miền Đông chia sẻ, Dinh Độc Lập nằm trong danh sách trải nghiệm nét văn hóa lịch sử của TPHCM. “Di tích lịch sử và các bảo tàng là minh chứng sinh động, gắn liền quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc. Em nghĩ, việc sử dụng di tích trong dạy học lịch sử rất cần thiết, nên tiến hành thường xuyên”, Trang nói.

Thời gian qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, các trường đại học tại TPHCM đã tổ chức cho sinh viên đi tham quan thực tế tại địa danh, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Tháng 3, Trường CĐ Giao thông vận tải Trung ương III tổ chức chương trình “Về nguồn - Tham quan khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi” cho sinh viên. Đầu tháng 4, Trường Trung cấp Bách Khoa Sài Gòn với gần 300 cán bộ nhân viên và học sinh cũng đến khu di tích Rạch Gầm – Xoài Mút.

Gần đây nhất, trong khuôn khổ học phần “Di sản văn hóa”, Trường Đại học Văn hóa TPHCM tổ chức cho sinh viên tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Chuyến đi hướng đến đào tạo theo định hướng ứng dụng, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn theo chủ trương chung của trường.

Học sinh Trường Tiểu học Bùi Dự (TP Pleiku, Gia Lai) nghe thuyết minh về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ tại bảo tàng, tháng 3/2024. Ảnh: Lê Nam

Học sinh Trường Tiểu học Bùi Dự (TP Pleiku, Gia Lai) nghe thuyết minh về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ tại bảo tàng, tháng 3/2024. Ảnh: Lê Nam

Cảm nhận rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa

Cuối tháng 3/2024, Trường Tiểu học Bùi Dự (TP Pleiku, Gia Lai) tổ chức lễ kết nạp Đội viên mới, kết hợp tham quan Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho hơn 40 học sinh giỏi, xuất sắc. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của học sinh.

Tại khu vực Bảo tàng Hồ Chí Minh trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh, các đội viên được nữ thuyết minh viên kể về câu chuyện cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, kể từ khi Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911 tại bến cảng Nhà Rồng. Cùng đó, thuyết minh viên tổ chức trò chơi kiến thức đố vui có thưởng với câu hỏi về cuộc đời, sự nghiệp Bác Hồ. Học sinh hào hứng trả lời câu hỏi của cô. Với câu trả lời chính xác, cô tặng quà; câu trả lời chưa đúng, cô nêu đáp án rồi giải thích.

Tiếp đó, học sinh được thuyết minh viên và thầy cô trong trường hướng dẫn tham quan hiện vật, tài liệu, tranh, ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả đều háo hức lắng nghe câu chuyện liên quan đến từng hiện vật, tranh ảnh. “Em từng nghe cô giáo kể nhiều mẩu chuyện về Bác Hồ và có tham gia cuộc thi kể chuyện về Bác. Hôm nay được đến bảo tàng, tận mắt chứng kiến, em vô cùng xúc động và tự hào”, Nguyễn Hải Đăng - học sinh lớp 3 chia sẻ.

Cũng trong chuyến đi thực tế này, học sinh Trường Tiểu học Bùi Dự còn tham quan khu vực trưng bày khảo cứu địa phương với những hiện vật về thiên nhiên, văn hóa, đời sống Tây Nguyên. Tận mắt chứng kiến các cổ vật gắn với câu chuyện người thật, việc thật, học sinh đầy hứng thú. Khi tham gia hoạt động trải nghiệm ở bảo tàng, các em vừa vui chơi, sáng tạo, vừa có nhận thức từ thực tế, cảm nhận rõ hơn những giá trị lịch sử, văn hóa.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) cho biết, học lịch sử bằng hình thức trải nghiệm thực tế được xem là giải pháp tích cực để học sinh hiểu hơn về lịch sử quê hương, dân tộc, từ đó yêu thích và học tốt môn học. “Để có buổi học thực tế hiệu quả, mỗi giáo viên phải thay đổi cách truyền đạt và xây dựng giáo án. Cùng đó, trong mỗi chuyến đi giáo viên phải quan tâm đến công tác quản lý, bổ sung nhiều kiến thức tại nơi học tập thực tế”, thầy Du nói.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoc-lich-su-tu-nhung-chuyen-di-post689359.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoc-lich-su-tu-nhung-chuyen-di-post689359.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học lịch sử từ những chuyến đi