Diễn đàn “Điều em muốn nói” là dịp học sinh chia sẻ, đề xuất ý kiến chung tay tạo sức đề kháng cho trường học trước thuốc lá, chất gây nghiện mới.
Chiều 14/5, tại Trường THPT Hà Huy Tập, Sở GD&ĐT Nghệ An phối hợp Báo Tiền phong và Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức Diễn đàn điều em muốn nói lần 3, năm 2025 với chủ đề: Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện mới. Đây là hoạt động trọng điểm trong chuỗi sự kiện hướng tới Tháng hành động vì trẻ em năm 2025.
Tham dự diễn đàn có đại diện Vụ học sinh – sinh viên, Bộ GD&ĐT; lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh Nghệ An; các chuyên gia tâm lí, bác sĩ cùng hơn 1.000 học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh.
Tăng sức đề kháng cho môi trường học đường
Phát biểu tại chương trình, nhà báo Lê Minh Toản – Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong nêu lên thực trạng đang diễn ra tại nhiều trường học khi thuốc lá điện tử, các loại chất kích thích thế hệ mới đang ngày càng len lỏi vào đời sống học đường. Đồng thời, tấn công trực tiếp vào sức khỏe, nhận thức và tương lai của thế hệ trẻ - những người sẽ xây dựng đất nước sau này.
Đáng lo ngại hơn, thuốc lá điện tử - sản phẩm được quảng bá như một lựa chọn “an toàn hơn”, “thời thượng hơn” đang lừa dối giới trẻ. Với thiết kế bắt mắt, mùi hương hấp dẫn và dễ tiếp cận qua mạng xã hội, thuốc lá điện tử đã nhanh chóng trở thành cạm bẫy của không ít học sinh.
Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi của Bộ Y tế và Bộ GDĐT năm 2022, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá hiện nay khoảng 2,9% (giảm so với kết quả nghiên cứu năm 2014 là 4,0%). Tỷ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá có dấu hiệu gia tăng (hiện nay khoảng 0,8%, tăng so với năm 2014 là 0,2%, chủ yếu là sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới).
Tỷ lệ học sinh từ 13 - 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5% (nam: 4,3% và nữ 2,8% tăng so với số liệu khảo sát của Tổ chức y tế thế giới vào năm 2019 là 2,6%). Tỷ lệ học sinh hút phải thuốc lá thụ động trong trường học là 35,7% (giảm so với kết quả nghiên cứu năm 2014 là 48,6%). Khoảng 60% trường học hiện nay đã đạt các tiêu chí “Trường học không thuốc lá”.
Từ các số liệu nêu trên cho thấy, tình trạng sử dụng thuốc lá trong trường học và tình trạng học sinh, sinh viên hút thuốc lá truyền thống có giảm. Tuy nhiên những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha…) ngày càng phổ biến trong giới trẻ Việt Nam, làm gia tăng tỷ lệ sử dụng trong HSSV.
Tại diễn đàn, học sinh sẽ được các chuyên gia, nhà giáo dục cung cấp thông tin, nhận diện các loại chất gây nghiện thế hệ mới và thuốc lá điện tử. Trong đó cập nhật về các loại chất kích thích đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ, đặc biệt là thuốc lá điện tử với hình thức ngụy trang tinh vi, khó kiểm soát. Nội dung nhấn mạnh mức độ phổ biến, cách thức lôi kéo học sinh và những hệ lụy tiềm ẩn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe cộng đồng sẽ trình bày thông tin khoa học về tác động của thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện mới đối với sức khỏe con người nói chung và trẻ em nói riêng. Các nhà quản lý giáo dục cũng chia sẻ về giải pháp xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, không khói thuốc.
Ban tổ chức mong muốn Diễn đàn “Điều em muốn nói” là không gian để học sinh nói lên câu chuyện, tâm tư, tình cảm của mình. Thể hiện ý chí, quan điểm, đề xuất sáng kiến và cùng chung tay tạo sức đề kháng cho môi trường học đường trước khói thuốc, giữ vững sức khỏe thể chất và tinh thần tuổi học sinh. Đây cũng là dịp để các cấp, các ngành lắng nghe và hành động nhằm ngăn chặn sớm các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Tiếng nói của người trong cuộc
Tại diễn đàn, phần thảo luận đã nhận được nhiều chia sẻ, ý kiến từ góc nhìn học sinh về thuốc lá điện tử, chất gây nghiện mới. Học sinh Phan Quỳnh Phương (lớp 12C1, trường THPT chuyên Phan Bội Châu) cho biết, việc từ chối lời mời gọi của các bạn không hề dễ dàng. Đa số học sinh đều sợ làm phật lòng bạn bè của mình hay áp lực từ nỗi sợ bị cô lập, hoặc trở nên khác biệt so với mọi người khiến ta khó từ chối.
“Ở độ tuổi chúng em còn thiếu sót kinh nghiệm, muốn được công nhận từ bạn bè, chính vì thế nên ta lầm tưởng việc chấp nhận lời rủ rê sẽ tăng thể diện cho bản thân. Một lý do nữa là chúng em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng để phòng tránh, từ chối lời mời gọi hút thuốc lá, thuốc lá điện tử”, Quỳnh Phương nói.
Trước những vấn nạn về thuốc lá điện tử, em Lê Anh Quân (học sinh Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An) cho biết đã trang bị đủ kiến thức, hành trang để phòng chống chất gây nghiện đối với thuốc lá điện tử. Phương châm đặt ra là né tránh, hạn chế tiếp xúc với người sử dụng thuốc lá điện tử, tránh xa những dụ dỗ về sử dụng thuốc lá điện tử. Cùng với đó là tố cáo với những cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt là mua bán thuốc lá điện tử. Ngoài ra động viên những người từng sử dụng thuốc để họ dần thay đổi ý thức và bỏ không còn sử dụng thuốc lá.
Tại diễn đàn, ông Trần Văn Lam - Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến của Báo Tiền phong và Sở GD&ĐT Nghệ An, Tỉnh đoàn Nghệ An trong việc tổ chức diễn đàn Điều em muốn nói. Đây là cách làm có chiều sâu, có sức lan tỏa, bởi thay vì tuyên truyền một chiều, chương trình đã khơi dậy tiếng nói của chính các em học sinh, giúp các em mạnh dạn bày tỏ quan điểm, thể hiện sự chủ động và trách nhiệm trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi tác hại của thuốc lá.
Những năm qua, Bộ GDĐT đã chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá trong học sinh, sinh viên (HSSV) và xây dựng “Trường học không thuốc lá”.
Bộ GDĐT đã đề xuất đưa quy định về cấm hút thuốc lá đối với học sinh và trong các hoạt động giáo dục đối với giáo viên vào Luật Giáo dục 2019 và quy định, hướng dẫn cụ thể tại các văn bản dưới Luật, Điều lệ trường học. Ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông, trong đó nội dung giáo dục về phòng chống tác hại thuốc lá được tích hợp, lồng ghép trong một số môn học ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Hàng năm, Bộ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tài liệu hướng dẫn, tập huấn truyền thông, giáo dục phòng chống tác hại thuốc lá mới trong HSSV. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và xây dựng “Trường học không thuốc lá”.
Trong thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm các quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá trong các cơ sở giáo dục Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; đặc biệt là gắn trách nhiệm, vai trò của gia đình, cha mẹ học sinh, người giám hộ trong việc kiểm soát hành vi hút thuốc lá của học sinh. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, báo chí, nhà trường, tổ chức đoàn thể và chính học sinh, đại diện Bộ GD&ĐT tin rằng sẽ từng bước xây dựng môi trường học đường thật sự an toàn, lành mạnh, không khói thuốc.