Em Nguyễn Công Tuấn, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cũng cho biết: "Có nguyện vọng thi vào trường CAND nên ngoài việc học trên lớp em cũng đang cố gắng sắp xếp thời gian để làm quen với bài thi đánh giá tuyển sinh CAND theo định hướng đề thi của năm 2022. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Công an, bài thi đánh giá tuyển sinh CAND chỉ chiếm tỷ lệ 60% điểm xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT chiếm 40% điểm xét tuyển nên kỳ thi tốt nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng. Em mong Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2023, đặc biệt là đề tham khảo để học sinh chúng em có kế hoạch học tập, ôn thi phù hợp, đạt hiệu quả cao".
Không chỉ học sinh mà các thầy cô giáo cũng "ngóng" phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để có kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp. Theo nhiều giáo viên, mặc dù hiện các trường đại học đều đa dạng các phương thức tuyển sinh theo hướng giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy vậy, các phương án tuyển sinh như xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, tham gia các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét tuyển học bạ đều có kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này cho thấy, kỳ thi này hiện vẫn giữ vai trò quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến việc tuyển sinh đại học.
Do vậy, các thầy cô đều mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có phương án tổ chức thi THPT và phương án tuyển sinh đại học năm 2025 để học sinh, giáo viên, nhà trường có định hướng giảng dạy, học tập.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ cơ bản giữ ổn định
Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức theo định hướng giữ ổn định như các năm 2021, 2022. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bám sát định hướng này. Về phương thức tổ chức thi và các quy định cơ bản như bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo... về cơ bản giữ nguyên như các năm 2021, 2022 để không gây xáo trộn cho học sinh; chỉ thực hiện điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức kỳ thi an ninh, an toàn. Hiện Bộ GD&ĐT đang căn cứ vào kế hoạch thời gian năm học để xem xét để lựa chọn thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp và sẽ sớm công bố trong thời gian tới.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được từ việc tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho người dân, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng là thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023. Riêng thí sinh tự do thực hiện đăng ký dự thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở GD&ĐT quy định.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi, công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, các bên liên quan tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, đặc biệt là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả. Trong đó, yêu cầu các Hội đồng thi phổ biến đầy đủ, quán triệt kỹ quy chế thi cho thí sinh, lưu ý thí sinh tuyệt đối không được sử dụng những thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi theo hướng các địa phương chủ động thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.