Mỗi mẻ măng sau khi được thái bằng thiết bị cũng đều hơn, mỏng hơn, rất dễ phơi khô mà vẫn giữ được độ phẳng của từng lát măng. Bên cạnh đó, thiết bị còn có thể xay xát được củ mỳ để phục vụ cho chăn nuôi.
Nhóm học sinh chia sẻ, trong thời gian nghiên cứu và tiến hành thực hiện đề tài này chúng em đã nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của khoa học kỹ thuật và việc vận dụng khoa học kỹ thuật vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; kết quả đạt được đã giúp chúng em có thêm động lực để tiếp tục tìm tòi, khám phá và nghiên cứu khoa học kỹ thuật
Theo thầy giáo Phan Nguyên Hậu (giáo viên hướng dẫn), thiết bị “Chẻ mỏng măng bán tự động” sau khi được hoàn thành đi vào vận hành thử cho thấy ưu thế vượt trội về thời gian và tiết kiệm công sức cho bà con, giải được bài toán của thực tiễn và có rất nhiều tiềm năng để phát triển nhân rộng sản phẩm.
Thiết bị này có cấu tạo đơn giản, dễ lắp ráp, dễ vận hành, dễ kiểm tra và sửa chữa bảo dưỡng. Sau khi đưa vào sử dụng, thiết bị hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu thiết kế; đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ và giá thành cũng hợp lý.
A Tường chia sẻ, với sự đón nhận nhiệt thành của bà con trong quá trình thử nghiệm máy, nhóm sẽ lên kế hoạch hoàn thiện hơn nữa để tăng công suất máy. Nếu được hỗ trợ, nhóm hoàn toàn có thể nhân rộng thiết kế, chế tạo nhiều máy hơn phục vụ nhu cầu của người dân, góp phần đưa thương hiệu măng khô Kon Plông (Kon Tum) vươn xa, nâng cao giá trị thêm nữa.
Nhóm mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của các tổ chức, cá nhân để sản phẩm được hoàn thiện hơn, sản xuất được nhiều hơn phục vụ nhu cầu của người nông dân.