Học sinh tìm hiểu nét đẹp làng nghề qua tiết giáo dục địa phương

Thảo Nguyên | 23/03/2023, 16:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bằng phương pháp dạy học dự án, cô trò một số trường THCS của huyện An Dương, TP Hải Phòng cùng tìm hiểu về nét đẹp nghề truyền thống.

Trải nghiệm mới từ môn học

Áp dụng phương pháp dạy học dự án, cô giáo Phạm Thị Tuyết Nhung, giáo viên Trường Trung học cơ sở Bắc Sơn cùng học sinh các Trường Trung học cơ sở Hồng Thái, Bắc Sơn và Đại Bản thực hiện tiết dạy minh hoạ tìm hiểu về làng nghề truyền thống.

Tiết học thuộc chủ đề số 7 – “Nghề truyền thống ở Hải Phòng” trong tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 6.

Chủ đề này có 3 mục tiêu gồm: Học sinh kể tên được các nghề truyền thống ở Hải Phòng; lập và thực hiện được kế hoạch cho hoạt động; có ý thức giữ gìn, phát triển nghề truyền thống.

Học sinh được chia làm 3 nhóm (Tân Thanh, Tiên Sa, Hà Liên) để thực hiện dự án tìm hiểu nghề trồng rau gia vị xã Đại Bản, nghề làm bánh Nòng xã Bắc Sơn và nghề mây tre đan, nghề trồng hoa cây cảnh xã Hồng Thái.

Để có kiến thức thực tế, học sinh được thăm quan, trải nghiệm tại những hộ dân đang duy trì nghề truyền thống. Chuyến đi giúp học sinh có cơ hội được quan sát trực tiếp người dân ươm trồng, đan mây tre, làm bánh Nòng; lý giải tại sao những sản phẩm này lại có nét đặc trưng khác biệt so với các địa phương khác.

Các em còn được lắng nghe người dân trải lòng về ý nghĩa cũng như khó khăn khi giữ gìn, phát triển nghề truyền thống.

Trong tiết chuyên đề, học sinh 3 nhóm báo cáo hành trình trải nghiệm, thực nghiệm sản phẩm. Báo cáo được các em thực hiện dưới dạng bài thuyết trình, video phóng sự, bài hát.

Giáo viên khéo léo lồng ghép nội dung hướng nghiệp trong tiết học khi yêu cầu học sinh dựa trên những trải nghiệm thực tế để đưa ra ý tưởng khởi nghiệp, phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Từ đó nhiều ý tưởng độc đáo được đưa ra như: đưa bánh Nòng vào bản đồ “foodtour” của thành phố; sử dụng chất liệu tre, mây trong các làng nghề để thiết kế thời trang, nội thất hay phát triển các tour trải nghiệm làng nghề truyền thống trong tương lai.

Học sinh chủ động thuyết trình báo cáo, tương tác cùng bạn. Các nhóm chấm điểm chéo cho nhau dựa trên tiêu chí đánh giá báo cáo của cô giáo.

Học sinh tìm hiểu nét đẹp làng nghề qua tiết giáo dục địa phương ảnh 1

Học sinh năng động, sáng tạo trong tiết chuyên đề.

Giải quyết những vấn đề thực tiễn

Nội dung giáo dục địa phương là môn học mới trong Chương trình GDPT 2018. Môn học hướng tới trang bị cho học sinh kiến thức về văn hoá, lịch sử, địa lý cũng như cập nhật thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương nơi học sinh đang sinh sống và học tập.

Đối với cấp trung học cơ sở, tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng đã được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục từ năm học 2021 – 2022 đối với lớp 6 và đối với lớp 7 với 8 vào năm học 2022 – 2023. Các chủ đề thuộc đa dạng lĩnh vực: các vấn đề về văn hoá, lịch sử truyền thống của địa phương, các vấn đề về địa lí, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương, các vấn đề chính trị - xã hội, môi trường của địa phương.

Quá trình triển khai một môn học mang đến không ít khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở giáo dục. Chuyên đề giáo dục địa phương – An Dương, nét đẹp nghề truyền thống của cô trò các nhà trường THCS trên địa bàn huyện An Dương vào ngày 21/3 vừa qua là tiết minh hoạ hữu ích, giúp giáo viên các nhà trường có nhìn nhận cụ thể, hướng đi chung và cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt với đồng nghiệp.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Dương chia sẻ: Tài liệu giáo dục địa phương Hải Phòng được xây dựng theo hướng tích hợp, chú trọng tính thực tiễn và vận dụng. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải vận dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức dạy học tích cực, tổ chức các hoạt động học tập để tăng cường trải nghiệm thực tiễn cho học sinh.

Đồng thời, qua việc học tập, học sinh được bồi dưỡng tình yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng nơi em sinh sống, kĩ năng giải quyết những vấn đề thực tiễn tại gia đình, dòng họ, địa phương.

Ông Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nhấn mạnh: “Tài liệu giáo dục địa phương là một trong những điểm đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhằm giúp cho học sinh từ lớp 1 cho tới lớp 12 sau khi hoàn thành chương trình phổ thông sẽ có những hiểu biết nhất định về quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên; về các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, địa lý, lịch sử và truyền thống đặc biệt là các làng nghề".

Sở GD&ĐT Hải Phòng là nơi đã biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương. Các tiết chuyên đề của giáo viên các nhà trường là dịp để tác giả được chứng kiến sản phẩm mình viết ra được các đơn vị tổ chức triển khai như thế nào.

Chương trình mới yêu cầu giáo viên phải đổi mới về phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Nhiều kỹ thuật dạy học khác nhau được vận dụng như: kỹ thuật dạy học bể cá, kỹ thuật “chạm”, sơ đồ tư duy, dạy học dự án.

Tiết dạy của cô Phạm Thị Tuyết Nhung cùng học sinh các trường THCS Hồng Thái, Bắc Sơn và Đại Bản được lãnh đạo ngành GD&ĐT Hải Phòng ghi nhận đánh giá cao.

Bài liên quan
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Đá Bạch nối Thủy Nguyên, Hải Phòng với Quảng Yên, Quảng Ninh
Một cầu vượt sông Đá Bạch dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh tìm hiểu nét đẹp làng nghề qua tiết giáo dục địa phương