Cũng theo đại diện đơn vị này, không chỉ dừng lại ở đam mê nghiên cứu khoa học, các em cũng đã tổ chức thành công hội thảo khoa học miễn phí "Sự lan rộng của ‘bệnh nấm đen’ trong đại dịch COVID-19 và tầm quan trọng của nghiên cứu vi nấm" vào đầu tháng 10 vừa qua. "Với triết lý "Tài năng để phục vụ cộng đồng", hội thảo là cách các em học sinh hiện thực hóa mong muốn lan tỏa niềm yêu thích khoa học tới các bạn đồng trang lứa, đồng thời góp phần làm phong phú hóa cộng đồng tri thức trẻ. Tại buổi hội thảo, các em đã đưa ra những số liệu đáng báo động về sự gia tăng của bệnh mucormycosis trong những năm trở lại đây, giải thích cơ chế gây bệnh cũng như sự nguy hiểm của căn bệnh này tới sức khỏe của con người", vị này thông tin thêm.
Đào tạo tài năng theo mô hình "cá nhân hóa"
Theo đại diện đơn vị này, với mục tiêu lấy học sinh làm trọng tâm và cá nhân hóa giáo dục, đồng thời ghi nhận nhu cầu học tập đặc biệt của học sinh tài năng, Trung tâm Tư vấn và Phát triển tài năng - Gifted and Talented Education (GATE Center) đã được thành lập tại trường Vinschool, nơi cung cấp cho học sinh một môi trường lý tưởng để phát triển được tối đa tài năng. "Đồng thời, với triết lý "Tài năng để phục vụ cộng đồng", Trung tâm GATE luôn hướng học sinh tới việc sử dụng tài năng của mình để mang lại giá trị tích cực cho những người xung quanh", vị này nói.
Theo đó, Trung tâm GATE đầu tư xây dựng riêng Chương trình Phát triển Tài năng cho các em học sinh quan tâm đến lĩnh vực Nghiên cứu Khoa học, bao gồm kết nối với đội ngũ chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực liên quan, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, chuỗi hội thảo nhằm phát triển tối đa khả năng của các em. Đại diện đơn vị này cũng cho biết, mặc dù đều đang ở giai đoạn cuối cấp với nhiều dự án cũng như kế hoạch cá nhân, các em vẫn dành thời gian thực hiện nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhằm theo đuổi đam mê khoa học của bản thân.
Chia sẻ về trải nghiệm nghiên cứu ngay từ khi học cấp 3, em Nguyễn Tử Minh bày tỏ, em học được cách làm việc, suy nghĩ và giải quyết các vấn đề như một nhà khoa học thực thụ. Ảnh: B.C
Nhìn lại quá trình gần 4 năm học tập & rèn luyện tại Trung tâm GATE của con, chị Đỗ Hồng Hạnh, phụ huynh em Nguyễn Tử Minh cho biết không có một khuôn mẫu nào chung cho các học sinh của Trung tâm GATE, khi mà lộ trình của mỗi bạn đều được xây dựng riêng biệt, với sự song hành cùng thầy cô và chuyên gia trong lĩnh vực mà con theo đuổi. "Môi trường đào tạo chuyên sâu cùng với cơ hội được làm việc, nghiên cứu trong những cơ sở đào tạo hiện đại cũng giúp các con sẵn sàng cho các sân chơi khoa học lớn với học sinh, sinh viên quốc tế", chị Hạnh chia sẻ.
Đại diện đơn vị này cũng nhấn mạnh việc được tiếp cận với hoạt động nghiên cứu khoa học cùng các chuyên gia có uy tín ngay từ bậc học phổ thông giúp học sinh có cơ hội cọ xát, trau dồi kiến thức từ rất sớm. Qua đó, các em được rèn luyện cách tư duy, thiết kế thí nghiệm, kỹ năng thực nghiệm trong phòng lab, xây dựng kế hoạch dài hạn cho dự án nghiên cứu, từ đó trau dồi chuyên môn và đặt nền tảng cho sự nghiệp của mình trong tương lai.
Theo em Nguyễn Tử Minh, khi bắt đầu nghiên cứu, em đã gặp rất nhiều khó khăn. "Em bị choáng ngợp bởi lượng kiến thức mới vì chúng quá nhiều và rất khó để hiểu. Cách mình giải quyết vấn đề này là tự học, tự nghiên cứu và nhờ hỗ trợ từ các chuyên gia. Mình học được không chỉ kiến thức về đề tài mà nhóm đang nghiên cứu mà còn cả các kỹ năng trong khoa học như phương pháp nghiên cứu, cách tra cứu thông tin, các kỹ thuật sinh học phân tử hay cách viết bài báo khoa học. Bên cạnh đó, cách làm việc, suy nghĩ và giải quyết các vấn đề như một nhà khoa học thực thụ cũng là những gì chúng em có được từ việc tham gia các nghiên cứu chuyên sâu này", em Minh cho biết.