Kỷ nguyên số với sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ, toàn cầu hóa đặt giáo dục vào trung tâm của những thay đổi lớn lao.
Theo chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh - thành viên Mạng lưới chuyên gia, nhà hoạt động xã hội, học giả về giáo dục người lớn và học tập suốt đời quốc tế (PIMA), học tập suốt đời, một khái niệm không mới, nay trở thành yêu cầu cấp thiết để mỗi cá nhân, tổ chức và quốc gia có thể thích ứng, phát triển trong một thế giới biến động không ngừng.
- Học tập suốt đời không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh kỷ nguyên mới - kỷ nguyên AI đặt ra yêu cầu mới về học tập suốt đời ra sao thưa bà?
“Muốn học tập suốt đời trở thành hiện thực, cần sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và tinh thần chủ động từ mỗi cá nhân.”
- Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động. Không chỉ công nghệ mà toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, sự phân cực gia tăng trong xã hội, cùng thay đổi nhanh chóng trong nhân khẩu học và xã hội đang định hình lại mọi khía cạnh cuộc sống.
Theo đó, giáo dục trải qua một hành trình chuyển đổi mạnh mẽ và học tập suốt đời trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết để giải quyết những thách thức ở cấp độ cá nhân, cộng đồng, quốc gia cũng như các vấn đề mang tính toàn cầu.
AI đang thay đổi mạnh mẽ bức tranh việc làm trên toàn cầu. Lịch sử từng chứng kiến làn sóng phản đối, thậm chí tiêu huỷ máy móc của công nhân châu Âu trong Cách mạng công nghiệp thế kỷ 17 - 18, khi họ lo sợ tự động hoá cướp đi công việc.
Nhưng thực tế chứng minh, những cuộc Cách mạng công nghiệp không dừng lại mà còn bùng nổ mạnh mẽ hơn, bỏ lại phía sau những ai không chịu thay đổi, thích nghi, đồng thời mở ra cơ hội mới cho cá nhân không ngừng học tập để làm chủ tri thức. Ngày nay, câu chuyện ấy một lần nữa lặp lại với sự trỗi dậy của AI và tự động hóa.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2025, có 85 triệu công việc sẽ bị thay thế và khoảng 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Khi công nghệ phát triển, nó không chỉ lấy đi công việc mà còn tạo ra nhiều ngành nghề mới đòi hỏi những kỹ năng hiện đại hơn. Người lao động cần học tập không ngừng để chuẩn bị cho những công việc, ngành nghề thậm chí chưa xuất hiện trên thị trường lao động.
Tình trạng già hóa dân số cũng là thách thức đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các số liệu báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh nhất lịch sử, với dự báo tỷ lệ người cao tuổi từ 60 trở lên chiếm khoảng 25% dân số vào năm 2030.
Trong bối cảnh này, học tập suốt đời không chỉ giúp cá nhân duy trì năng lực làm việc, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn nhân lực cho xã hội. Người cao tuổi cần được trang bị kỹ năng và kiến thức mới để tiếp tục tham gia thị trường lao động hoặc duy trì cuộc sống độc lập. Đồng thời, các doanh nghiệp và nền kinh tế cần thích ứng để khai thác tối đa nguồn lực lao động giàu kinh nghiệm này.
Đó là một số vấn đề lớn trong nhiều thách thức của bối cảnh trong nước, quốc tế khiến học tập suốt đời trở thành yêu cầu bức thiết của kỷ nguyên mà chúng ta đang sống.
- Bà nhìn nhận thế nào về thực trạng xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời ở Việt Nam trong thời gian qua?
- Trong những năm qua, Việt Nam đạt được thành tựu quan trọng trong xây dựng xã hội học tập. Đề án Xây dựng xã hội học tập qua các thời kỳ cùng nhiều chính sách chủ chốt khác đã tạo động lực thúc đẩy học tập suốt đời, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức cho mọi tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, chính sách miễn học phí cho học sinh các trường công lập, từ mầm non đến THPT mới được ban hành thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc đảm bảo mọi trẻ em có cơ hội học tập ngay từ những năm đầu đời, đặt nền móng vững chắc cho hành trình học tập suốt đời của mỗi công dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, còn tồn tại nhiều thách thức khiến học tập suốt đời chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Mặc dù chúng ta đang từng bước hiện thực hoá mục tiêu xây dựng một nền giáo dục mở, nhưng thực tế triển khai còn hạn chế. Việc thay đổi mô hình giáo dục khép kín sang mô hình giáo dục mở đòi hỏi tháo dỡ cấu trúc cũ đã ăn sâu bám rễ nhiều năm; thay vào đó một cấu trúc mới, mở ra cơ chế liên thông giữa giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy.
Việc thiếu các quy định trong đánh giá, công nhận kết quả học tập từ các hình thức học tập không chính quy và phi chính quy khiến nhiều cá nhân không tận dụng tối đa giá trị từ những kỹ năng, kiến thức tích lũy được qua kinh nghiệm làm việc thực tế, các khóa học ngắn hạn hoặc quá trình tự học. Sự phân mảnh giữa các loại hình giáo dục có thể xem là rào cản trong việc xây dựng một hệ thống học tập suốt đời toàn diện và bao trùm.
Ngoài ra, kết nối giữa các cơ sở giáo dục, trường đại học và doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến nhiều chương trình đào tạo không bám sát nhu cầu thực tế thị trường lao động. Trong khi đó, thị trường lao động ngày càng có nhiều biến động mạnh mẽ, đòi hỏi những kỹ năng hiện đại và chuyên sâu, từ công nghệ số đến tư duy sáng tạo.
Hơn nữa, việc đầu tư vào đào tạo, tái đào tạo nguồn nhân lực - một yếu tố then chốt trong bối cảnh kinh tế số và già hóa dân số - còn tương đối hạn chế. Những hạn chế này không chỉ làm chậm tiến trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn giảm khả năng thích ứng của người lao động trong bối cảnh hiện nay.
- Theo bà, điều kiện cần và đủ để đẩy mạnh học tập suốt đời là gì?
- Để học tập suốt đời trở thành hiện thực, chúng ta cần hội tụ nhiều yếu tố. Đầu tiên là sự cam kết mạnh mẽ từ Nhà nước. Cần có chính sách cụ thể để xây dựng một hệ thống giáo dục mở và liên thông thực chất cũng như có nguồn lực đủ mạnh để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đào tạo giáo viên và phát triển các chương trình học tập chất lượng.
Thứ hai là sự tham gia tích cực của các bên liên quan, đặc biệt cần tăng cường sự tham gia, trách nhiệm cũng như quyền lợi của doanh nghiệp trong thúc đẩy học tập suốt đời. Doanh nghiệp cần nhận thức rằng đầu tư vào học tập suốt đời cho người lao động không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là cách để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cuối cùng, người học đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái học tập suốt đời. Tinh thần tự giác và khả năng tự định hướng là yếu tố quyết định để mỗi cá nhân chủ động tham gia vào hành trình học tập liên tục, từ đó đáp ứng những thách thức và cơ hội không ngừng của kỷ nguyên số.
- Trong bối cảnh Việt Nam, theo bà, có cần thiết xây dựng Luật Học tập suốt đời không? Vì sao?
- Tôi cho rằng việc xây dựng Luật Học tập suốt đời hết sức cần thiết. Hiện tại, các quy định liên quan đến học tập suốt đời vẫn nằm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau, thiếu sự thống nhất và toàn diện. Việc thiết lập một khung pháp lý rõ ràng sẽ tạo nền móng vững chắc để thúc đẩy học tập suốt đời, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Luật Học tập suốt đời sẽ đóng vai trò bổ sung, hoàn thiện và mở rộng những nội dung mà Luật Giáo dục 2019 và các luật về giáo dục khác chưa đề cập đầy đủ. Đây là công cụ quan trọng để hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt và liên thông, giải quyết các điểm nghẽn đang tồn tại trong việc thúc đẩy học tập suốt đời. Hơn nữa, Luật sẽ giúp nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của học tập suốt đời, nhấn mạnh vai trò của nó trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia.
Ngoài ra, Luật Học tập suốt đời còn góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phù hợp với các cam kết quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đang tham gia.
Nội dung điều chỉnh của luật sẽ bao gồm toàn bộ hoạt động học tập suốt đời của công dân, cùng với các mối quan hệ, trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước, tổ chức xã hội trong việc đảm bảo quyền học tập suốt đời. Luật không chỉ định hình một khung pháp lý vững chắc cho lĩnh vực này mà còn khẳng định cam kết quốc gia trong việc xây dựng một xã hội học tập toàn diện và bền vững.
- Chúng ta cần lưu ý gì khi xây dựng Luật Học tập suốt đời để phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay cũng như phát huy hiệu quả trong thực tiễn?
- Theo khuyến nghị của UNESCO, các chính sách học tập suốt đời cần tập trung giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách của thế giới hiện đại. Những vấn đề này bao gồm:
Cải thiện khả năng việc làm thông qua nâng cao kỹ năng và tái đào tạo người lao động; hỗ trợ cá nhân làm chủ các công nghệ trong cuộc cách mạng kỹ thuật số; trao quyền cho người học ở mọi lứa tuổi nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; nâng cao sức khỏe và hạnh phúc trong cộng đồng; giúp các quốc gia đối phó với tình trạng già hóa dân số, khi đến năm 2050, số người từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ vượt qua số lượng thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, học tập suốt đời còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lòng khoan dung và các giá trị dân chủ, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thay đổi sâu sắc về kinh tế, xã hội.
Những mục tiêu này nhấn mạnh, học tập suốt đời không chỉ là yêu cầu giáo dục mà còn là yếu tố nền tảng có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường đối với mọi quốc gia. Việc lấy học tập suốt đời làm nguyên tắc chỉ đạo cho hệ thống giáo dục không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và địa phương.
Đây cũng là định hướng quan trọng mà Việt Nam cần xem xét trong quá trình xây dựng Luật Học tập suốt đời nhằm tạo ra một khung pháp lý vững chắc, thúc đẩy sự hội nhập và phát triển trong lĩnh vực giáo dục.
- Xin cảm ơn bà!
Học tập suốt đời trong kỷ nguyên AI không chỉ là yêu cầu mà còn xem như cơ hội để cá nhân và toàn xã hội phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần có sự đồng hành của Nhà nước và toàn thể cộng đồng, xã hội. Xây dựng Luật Học tập suốt đời là bước đi thiết yếu, nhưng quan trọng hơn cả là triển khai luật một cách hiệu quả, chuyển hóa các quy định thành hành động cụ thể.
Chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội học tập toàn diện, nơi mọi người đều có cơ hội phát triển bản thân và thích nghi với thay đổi không ngừng của thế giới. - Chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh