Thượng tá Hà thông tin thêm, vừa qua Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an TP.HCM đã xác minh, phá đường dây cho vay lãi nặng xuyên quốc gia do đối tượng nước ngoài cầm đầu. Đường dây này sử dụng 300 ứng dụng cho vay tiền. Qua điều tra ban đầu, có 159.000 khách hàng vay tiền với số tiền 1.802 tỷ đồng. Đến khi bị bắt, đối tượng đã giải ngân được 569,6 tỷ đồng và thu lợi 322,6 tỷ đồng.
“ Một trong những nguyên nhân, điều kiện mà các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi là vấn đề lỏng lẻo trong quản lý, cấp phát thông tin thuê bao của cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, các đối tượng sử dụng sim ‘rác’, tài khoản ngân hàng ‘rác’ để che dấu vết hoạt động của mình”, Thượng tá Hà cho hay.
Theo Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM, qua theo dõi, số vụ tin nhắn lừa đảo so với thời gian từ tháng 6 trở về trước đã giảm. Tuy nhiên, các chính sách nhằm thu vốn đầu tư vào Việt Nam giúp làn sóng đầu tư thiết bị công nghệ từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc vào Việt Nam không bị hạn chế nhiều. Vì thế, hoạt động của tội phạm công nghệ cao sẽ rất phức tạp.
Do đó CATP sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương quan tâm nhận diện phương thức thủ đoạn lừa đảo để thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn các vụ lừa đảo CNC, hạn chế thiệt hại trong nhân dân.
Ngoài ra, Công an TP.HCM sẽ đẩy mạnh xử lý hành vi mua bán trao đổi thông tin dữ liệu cá nhân trái phép. Đồng thời, xử lý các hành vi mua bán, thuê sim không chính chủ và hành vi mua bán cho thuê tài khoản ngân hàng ‘rác’, tài khoản giả.