Hơn 40 năm hóa thân thành thư viện di động

Lê Du | 07/03/2022, 09:48
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Được mệnh danh là “thủ thư chân đất”, trong 41 năm qua, ông P Sukumaran đã đi bộ mỗi ngày 12 km, từ nhà này sang nhà khác, với bạn đồng hành là hai túi đầy chứa 60 - 70 cuốn sách.

Thủ thư Sukumaran trước Thư viện Kumarapuram.Thủ thư Sukumaran trước Thư viện Kumarapuram.

Thư viện “di động”

Ông P Sukumaran làm việc ở Thư viện cộng đồng Kumarapuram vào năm 1979, khi mới 20 tuổi.

Bày tỏ mới đây với The Better India, ông cho biết: “Tôi rất yêu sách và cảm thấy hạnh phúc khi được tiếp cận độc giả, cung cấp cho họ sách và ấn phẩm định kỳ. Tôi nhận được rất nhiều niềm vui khi đi bộ hằng ngày, ví dụ như tận hưởng không khí trong lành, ngắm nhìn những hàng cây rợp bóng và nhiều sắc hoa dọc theo lối đi.

Tôi còn là một người thích phổ biến kiến thức, khi đến những ngôi nhà khác nhau, tôi sẽ có cơ hội giao lưu và chia sẻ kiến thức với nhiều người, kể cả trẻ em”.

Thư viện cộng đồng này được thành lập vào năm 1950, hoạt động trong một ngôi nhà nhỏ hai phòng, từng là một trong những cơ sở đọc sách tốt nhất của khu vực, nhưng đã rơi vào tình trạng ảm đạm một thời gian, do người đọc ngày càng giảm. Để cứu vãn tình hình, Sukumaran nảy sáng kiến tiếp cận độc giả để phân phối sách.

“Thư viện cần người đọc và người đọc cần một số cuốn sách hay. Vì vậy, tôi nghĩ, tại sao thư viện không đến được với mọi người? Thế là tôi bắt đầu cuộc hành trình đi bộ cách đây 41 năm”, ông giải thích.

Sukumaran đi bộ khoảng 12 km mỗi ngày, từ thứ Hai đến thứ Bảy. Ông đến thư viện lúc 8 giờ 30 phút sáng, làm một số công việc hành chính, đến 10 giờ 30 phút thì lên đường đi giao sách. Ông dùng bữa trưa với thức ăn mang theo và sau đó trở lại thư viện lúc 4 giờ chiều.

Sukumaran không biết đi xe đạp và ông thích đi bộ hơn so với bất kỳ phương tiện giao thông nào khác. “Khi còn học đại học, tôi từng làm báo và đi bộ hằng ngày trên quãng đường dài để giao các ấn phẩm đến độc giả vào mỗi sáng. Kể từ đó, tôi đã quen với việc đi bộ và không hề cảm thấy mệt mỏi”, ông nói.

Sukumaran cho biết, sứ mệnh của ông là ghi khắc giá trị của sách và truyền cảm hứng đọc sách đến cho mọi người.

“Tôi là một người đam mê sách, bắt đầu đọc từ khi còn rất nhỏ. Tôi đã từng đọc khoảng 11 tờ báo mỗi ngày và tin rằng, đọc sách sẽ làm cho mọi người trở nên khôn ngoan, hiểu thế giới nhiều hơn và trở thành một con người tốt hơn. Vì vậy, tôi hăng say thực hiện vai trò của mình với tư cách là một con người có ý thức ”.

Giao sách và giao lưu

Thói quen đọc sách có thể làm nên điều kỳ diệu đối với mọi người. Vì vậy, điều cần thiết là phải đọc nhiều hơn, lấy cảm hứng và xây dựng một xã hội phát triển dựa trên sự khiêm tốn. Ông P SUKUMARAN

Những nỗ lực của Sukumaran trong việc tiếp cận độc giả đã giúp thư viện phát triển mạnh mẽ trở lại, vượt qua nhiều thời kỳ khó khăn và số lượng người đọc không ngừng tăng lên. Phần lớn độc giả của Sukumaran là trẻ em và phụ nữ.

Ông đến từng nhà để không chỉ giao sách, mà còn giao lưu với họ. Ông đọc hầu hết những cuốn sách mang cho mượn và nói rằng luôn cố gắng cung cấp cho người đọc những tác phẩm phù hợp với sở thích của họ.

“Tôi không đến những ngôi nhà này chỉ để giao sách, mà còn dành thời gian tương tác với độc giả và thảo luận về những cuốn sách. Tôi đặt câu hỏi cho họ hoặc hỏi ý kiến họ, đặc biệt là với trẻ em, để đảm bảo rằng họ đã đọc cuốn sách đúng cách và hiểu được sách”, ông nói.

Là một thủ thư, có bằng cử nhân Kinh tế, ông sống bằng khoản trợ cấp hằng tháng ít ỏi 3.100 Rs (khoảng 950 nghìn đồng) từ Hội đồng Thư viện bang Kerala và 30% hoa hồng qua việc bán sách. Do đó, cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng đối với Sukumaran, người đã phải sống trong một căn nhà thuê suốt 15 năm qua cùng vợ và cậu con trai 12 tuổi mắc chứng tự kỷ.

“Tôi luôn muốn xây một ngôi nhà của riêng mình. Nhưng con trai tôi cần được chữa trị nên hầu hết số tiền kiếm được của tôi đều dành để lo cho nó. Mặc dù vậy, tôi luôn hạnh phúc với những gì hiện có. Tôi say mê công việc của mình. Những cuộc đi dạo hằng ngày và tương tác với độc giả khiến tôi quên đi mọi vất vả của bản thân. Nó tiếp thêm năng lượng cho tôi”.

Trong khi ông P Sukumaran đi giao sách thì ông P Gopalan, thư ký của Thư viện cộng đồng Kumarapuram, cũng là anh trai của Sukumaran, trông nom thư viện. Ông nói rằng, nơi này từng lưu trữ khoảng 20.000 đầu sách, nhưng đã bị thất lạc khoảng 25% trong số đó.

“Chúng tôi đã mất nhiều sách trong trận lũ lụt năm 2019 ở Kerala. Một cây lớn ngã đè lên tòa nhà thư viện, làm sập mái và phá hủy khoảng 6.000 quyển sách. Chúng tôi đang trong quá trình bổ sung sách mới, vốn bị trì hoãn do đại dịch”, P Gopalan nói.

“Chúng tôi điều hành thư viện của mình trong một tòa nhà nhỏ hai phòng, không đủ sức chứa để hoạt động. Chúng tôi có một số cuốn sách hiếm, và mọi người vẫn tìm kiếm chúng để tham khảo nhưng thư viện không có đủ không gian để chứa chúng”, Sukumaran cho biết thêm.

Khi được hỏi về công việc của em trai mình, Gopalan nói: “Chú ấy là một người rất đam mê và tràn đầy năng lượng, ham đọc sách”. Năm 2016, để tôn vinh những cống hiến của Sukumaran, Hội đồng Thư viện bang Kerala đã trao cho ông giải thưởng IV Das.

Bài liên quan
Có nên mua máy đọc sách?
(GDTD) - Máy đọc sách là một thiết bị tiện lợi bởi sự nhỏ gọn và dễ sử dụng. Tuy nhiên, nó chưa hỗ trợ tối ưu cho thị trường Việt Nam và không bán kèm củ sạc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 40 năm hóa thân thành thư viện di động