“Hai nhà bắt tay hái quả ngọt”
Nói đơn giản là vậy nhưng doanh nghiệp và nhà khoa học phải cùng nhau xây dựng nội dung, chương trình, tiến độ đào tạo. Với mỗi khâu trong quá trình đào tạo, doanh nghiệp định hướng việc làm ngay từ đầu cho người học, yêu cầu bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ… Việc hợp tác này còn xây dựng thương hiệu riêng cho từng bên tham gia, giảm chi phí học nghề, nâng cao kỹ năng thực tế. Tuy vậy, khó khăn từ ngân sách nghiên cứu, định hướng thay đổi liên tục của doanh nghiệp buộc các nhà khoa học phải tự tham gia, làm chủ khoa học cũng như tự khẳng định mình.
Qua hơn 3 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, vấn đề thiếu nhân lực, dân số già hoá đòi hỏi cách tiếp cận tri thức, công nghệ, mô hình tiên tiến nhanh chóng hơn bao giờ hết. Do đó, hợp tác giữa doanh nghiệp – nhà trường cần sự hợp tác chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, việc tuyển chọn, đào tạo sinh viên theo chương trình thực tập (Internship Program) trong và ngoài nước dần trở nên phổ biến. Sinh viên năm nhất, năm hai đã có thể tham gia chương trình đào tạo kỹ sư, thực tập sinh định hướng làm việc tại nước ngoài thay vì phải chờ tới năm cuối như truyền thống.
Cùng với đó, các cơ sở đào tạo dần thích ứng với việc hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng để tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ việc làm cho sinh viên sắp tốt nghiệp cũng như đã tốt nghiệp. Tại những phiên giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp, các kỹ năng như làm việc nhóm, xử lý khủng hoảng hay tác phong công nghiệp được giới thiệu gần gũi, dễ hiểu để các bạn trẻ có chuẩn bị tốt nhất trước khi tham gia thị trường lao động.
Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đòi hỏi nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất gắn kết với nhà trường hơn nữa. Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên ra trường thông qua hỗ trợ từ phía các trung tâm dịch vụ việc làm hay giảm thuế cho đơn vị tiếp nhận lao động trẻ mới ra trường.
Hiện thực hóa “ước vọng”
Hiện nay, xu thế chủ yếu là liên tục tích hợp và tối ưu hoá quá trình chuyển giao công nghệ trong mạng lưới của các trường kỹ thuật trong với các ngành công nghiệp. Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục các chính sách chiến lược về quốc tế hoá, về chuyên giao và ươm tạo công nghệ (IP – IPO - RD).
Trên tinh thần Nghị quyết được Đại hội XIII thông qua tại phiên bế mạc, mục tiêu cụ thể nước ta đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là “Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện các mục trên, Nghị quyết trên đưa ra 3 đột phá chiến lược. Thứ nhất là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Thứ ba là tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Nghị quyết cũng nêu rõ việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện… Và cuối cùng, sứ mệnh của nhà trường là giáo dục là sáng tạo ra tri thức. Sứ mệnh của doanh nghiệp là sử dụng tri thức vì đó là lựa chọn đầu tiên cho cuộc sống mới.
Hồ Đình Việt - Viện trưởng Viện nghiên cứu, đào tạo và cung ứng nhân lực Chất lượng cao