Lấp khoảng trống nhân lực vùng khó

Hà Thuận | 27/02/2023, 11:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tình trạng thiếu giáo viên ngày càng trở thành “gánh nặng” đối với giáo dục vùng khó Lai Châu. 

Tại huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới Mường Tè, “giữ chân” giáo viên cũng không đơn giản. 5 năm qua, địa phương có gần 140 giáo viên chuyển vùng, trong đó 20 người xin thôi việc với nhiều lý do. Năm học này, 30 giáo viên xin chuyển vùng và thôi việc. Đầu năm học 2022 – 2023, huyện thiếu 126 giáo viên so với biên chế, thiếu hơn 160 giáo viên theo định mức quy định. Dù địa phương đã cố gắng tuyển dụng, nhưng đầu năm học chỉ tuyển được 38 người. Còn thiếu 88 giáo viên mầm non và THCS.

Tính đến tháng 2/2023, ngành Giáo dục huyện Tân Uyên thiếu 150 biên chế (trong đó giáo viên thiếu 120 người). Trong hoàn cảnh nhân lực còn khoảng trống thì một số giáo viên chuyển vùng và thôi việc tại địa phương vẫn gia tăng. Riêng năm 2022, huyện Tân Uyên có đến 34 giáo viên chuyển công tác và 21 người thôi việc.

Lấp khoảng trống nhân lực vùng khó ảnh 3
Tiết dạy của thầy Quàng Văn Hùng tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên cho biết: “Việc thiếu giáo viên còn tính đến các tình huống như: Giáo viên nữ nghỉ chế độ thai sản, ốm đau và các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn toàn ngành. Cùng đó, nhiều trường hợp xin nghỉ không lương. Trong 1 năm, từ tháng 8/2021 – 8/2022 có đến 16 giáo viên huyện Tân Uyên xin nghỉ không hưởng lương do đang trong quá trình tìm việc mới phù hợp”.

Cơ hội cho giáo viên địa phương

Trước tình trạng thiếu giáo viên, nhiều người xin chuyển vùng, thôi việc, một số huyện của Lai Châu đã có giải pháp linh hoạt để bù lấp. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng người bản địa.

Sau 8 năm ra trường, thầy Hỏ Văn Hùng, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn đã hiện thực hóa ước mơ trở thành thầy giáo tại Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Chà. “Em tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc từ năm 2014, đã trải qua một số công việc nhưng em vẫn muốn gắn bó với nghề sư phạm. Khi huyện có chỉ tiêu tuyển giáo viên Lịch sử, em đã đăng ký và được tuyển”, thầy Hỏ Văn Hùng cho biết.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đến các trường sư phạm để tuyên truyền, mời sinh viên lên cống hiến trên Nậm Nhùn. Đồng thời, địa phương mong muốn sẽ có cơ chế nâng lương cho giáo viên nói chung và giáo viên ở vùng cao nói riêng. Như thế mới có thể “giữ chân” nhà giáo ở vùng cao Nậm Nhùn…” – Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn trao đổi.

Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn thông tin: “Về lâu dài, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, huyện đã chỉ đạo các trường trên địa bàn tiếp tục định hướng nghề nghiệp cho học sinh, trong đó có nghề sư phạm. Cùng đó, huyện đã tham mưu cử tuyển giáo viên Tiếng Anh và Tin học, tăng cường tuyên truyền để có đội ngũ giáo viên địa phương ổn định, gắn bó lâu dài với ngành Giáo dục…”.

Ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè lại cho biết: “Chúng tôi đã giao ngành Giáo dục phối hợp với nội vụ thực hiện hợp đồng giáo viên, bổ sung cho đơn vị thiếu. Cùng với đó, huyện đề xuất với tỉnh quan tâm mở lớp đào tạo theo địa chỉ cho con em tỉnh Lai Châu nói chung và Mường Tè nói riêng. Có như vậy, mới giải quyết được vấn đề nguồn tuyển giáo viên thời gian tới…”.

Cũng theo Phó Chủ tịch huyện Mường Tè, địa phương đã giao cho Phòng GD&ĐT xây dựng quy chế luân chuyển nội huyện để cố gắng giữ ổn định đội ngũ giáo viên, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT mới. Đối với bộ môn Tin học, Tiếng Anh, huyện đang có 9 em đi học theo chế độ cử tuyển.

Theo kế hoạch năm học 2023 – 2024, huyện Mường Tè sẽ tuyển 74 giáo viên. Trong đó, đối tượng tuyển dụng là người dân tộc thiểu số được cộng 5 điểm vào điểm xét tuyển vòng 2 (vòng thi môn nghiệp vụ chuyên ngành).

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện tuyển dụng giáo viên. Cùng đó sẽ hợp đồng giáo viên chưa có biên chế, thầy cô bậc THPT xuống giảng dạy bên cạnh bố trí 1 giáo viên dạy nhiều trường”.

Đánh giá về công việc này, NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu kỳ vọng: “Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh phân cấp quản lý, sử dụng, tuyển dụng viên chức. Như vậy, các huyện, thành phố có thể hoàn toàn chủ động trong tuyển giáo viên. Ngành cũng tiếp tục triển khai các chế độ chính sách; tùy theo điều kiện từng địa bàn mà có chính sách phụ, hỗ trợ giáo viên. Từ đó, giúp giáo viên yên tâm công tác…”.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Lai Châu, từ năm 2019 đến nay, tỉnh có gần 350 giáo viên xin nghỉ việc và chuyển vùng. Cùng đó, thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, hơn 170 giáo viên được nghỉ theo quy định. Năm học 2022 - 2023, địa phương thiếu hơn 1.300 giáo viên, trong khi đó, việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục khó khăn do thiếu nguồn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/lap-khoang-trong-nhan-luc-vung-kho-post627681.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/lap-khoang-trong-nhan-luc-vung-kho-post627681.html
Bài liên quan
Mỹ thiếu giáo viên vì lương thấp
Do tình trạng thiếu giáo viên, các khu học chánh tại Mỹ đã chuyển sang tuyển dụng giáo viên tại những quốc gia có nền giáo dục tốt hoặc tương tự Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấp khoảng trống nhân lực vùng khó