Theo đó, yêu cầu xây dựng tiêu chí, quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất; HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất.
Đồng thời, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hoà về lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch...
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, để luật hóa chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không quy định ban hành bảng giá đất hàng năm mà nên ban hành định kỳ 2 - 3 năm/lần.
Ông Châu phân tích, nếu ban hành định kỳ 2-3 năm/lần sẽ phù hợp với thực tiễn trình độ, năng lực của bộ máy hành chính, nhân lực, trang thiết bị công nghệ, phần mềm quản lý hiện nay.
Ngoài ra, đi đôi với định lượng, công thức hoá việc định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng, tiền thuê đất các dự án bất động sản, nhà ở, đô thị sẽ bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu dễ làm, không gây rủi ro pháp lý cho cán bộ và người liên quan trong thực thi công vụ.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho giá đất luôn tiệm cận với giá trên thị trường thì phải đi đôi với việc tiếp tục quy định các hệ số điều chỉnh giá, trong đó có hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm (hệ số k1 - áp dụng từ ngày 1.1 hàng năm)…
Ông Châu nhận thấy rằng, việc xây dựng bảng giá đất hàng năm sẽ gây quá tải cho chính quyền các địa phương, nhất là Sở (Phòng) Tài nguyên Môi trường và Sở (Phòng) Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất địa phương phải loay hoay xây dựng, thẩm định bảng giá đất hàng năm và cả Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.