GDTĐ - Houthi tuyên bố bắn hạ máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ trên bầu trời tỉnh Marib – Yemen.
"Chúng tôi đã bắn rơi UAV MQ-9 Reaper của Mỹ khi nó thực hiện nhiệm vụ thù địch trên không phận tỉnh Marib", Yahya Saree, phát ngôn viên quân sự Houthi ở Yemen, tuyên bố hôm 29/5.
Houthi cho biết đây là chiếc MQ-9 Reaper thứ 2 mà họ bắn hạ trong chưa đầy 2 tuần qua và là chiếc thứ 6 bị tiêu diệt trong "chiến dịch hỗ trợ người dân Palestine ở Dải Gaza".
Không rõ lực lượng Houthi đã bắn hạ chiếc UAV có biệt danh “Chim săn mồi” hay “Ác điểu” của Mỹ bằng loại vũ khí gì.
AP phân tích hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy chiếc MQ-9 Reaper nằm trên sa mạc bằng phẳng, đuôi bị gãy và tách rời khỏi thân chính. Thân máy bay còn tương đối nguyên vẹn nhưng không có phù hiệu và số hiệu để nhận diện lực lượng vận hành.
MQ-9 Reaper là UAV vũ trang do tập đoàn General Atomics (Mỹ) chế tạo cho không quân Mỹ, có thể bay ở độ cao hơn 15.000 m và hoạt động liên tục trong 24 tiếng. Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết mỗi chiếc MQ-9 có giá xuất xưởng khoảng 30 triệu USD.
Cũng trong ngày 29/5, lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố đã tấn công nhắm mục tiêu vào 6 tàu hàng ở 3 vùng biển khác nhau.
Houthi khẳng định họ đã sử dụng tên lửa để tấn công tàu chở hàng rời Laax treo cờ Quần đảo Marshall ở ngoài khơi Yemen hôm 28/5. “Đòn tấn công bằng tên lửa khiến tàu hàng Laax hư hại”, Reuters dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Houthi.
Houthi cũng khẳng định họ đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các tàu Morea và Sealady ở biển Đỏ, tàu Alba và Maersk Hartford ở biển Ả Rập và tàu Minvera Antonia ở Địa Trung Hải. Các cuộc tấn công này Houthi không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Kể từ tháng 11 năm ngoái, lực lượng Houthi liên tiếp tấn công các tàu hàng đi qua biển Đỏ, sau đó mở rộng sang cả Ấn Độ Dương.
Houthi mô tả các cuộc tấn công của họ nhằm thể hiện đoàn kết với người Palestine trong xung đột với Israel ở Dải Gaza.
Các đòn tấn công của Houthi nhằm vào tàu hàng thời gian qua đã khiến 2 thuỷ thủ thiệt mạng.
Họ cũng đánh chìm một tàu, bắt giữ một tàu khác và làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu buộc các tàu phải tránh kênh đào Suez gần đó và định tuyến lại hoạt động thương mại quanh châu Phi.