Houthi và những cuộc giao tranh khiến Mỹ, Ả Rập Saudi phải dè chừng

20/01/2024, 10:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một nhóm binh lính đặc biệt, hiếm khi thấy có trong các cuộc duyệt binh trên thế giới, đã được Houthi cho xuất hiện trong cuộc duyệt binh quy mô lớn mới nhất của nhóm vũ trang này.

Video: Nhóm binh lính bị thương góp mặt trong lễ duyệt binh của Houthi vào tháng 9/2023. Nguồn: 9Gag

Những cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng" của Houthi với Mỹ và các đồng minh của Washington đang thu hút sự quan tâm lớn của thế giới. Thực ra, nhưng Houthi đã thách thức Mỹ cùng các đối thủ vùng Vịnh trong suốt 2 thập kỷ qua, kể từ năm 2004. Nhóm vũ trang này không những không bị loại bỏ, mà còn được cho là "càng đánh càng mạnh". Điều gì giúp Houthi tồn tại sau nhiều cuộc xung đột? Sức mạnh quân sự của nhóm này đến cỡ nào mà không ngại thách thức Mỹ cùng đồng minh? Chúng tôi sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu những điều đặc biệt về lực lượng quân sự đáng gờm này.

Tháng 9/2023, phong trào Houthi, nhóm vũ trang kiểm soát nhiều vùng ở Yemen, tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô lớn, phô diễn nhiều tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) có vũ trang, ở thủ đô Sanaa.

Điểm đặc biệt trong cuộc duyệt binh của Houthi, khác với phần lớn các cuộc duyệt binh trên thế giới, là sự xuất hiện của một nhóm binh lính không còn đủ tay chân - những người vẫn đi đều, xếp đội hình đội ngũ và chào kiểu quân đội.

"Các binh lính què cụt đó không mất đi sự oai nghiêm khi duyệt binh. Thậm chí, họ còn chứng tỏ được giá trị của bản thân. Dù không còn đủ tay, chân, họ vẫn đứng trong hàng ngũ quân đội", một chuyên gia nhận định về sự xuất hiện của các binh lính đặc biệt trong cuộc duyệt binh của Houthi.

Thực tế, đội quân với những thương binh đó không bị khuất phục trong suốt 20 năm đối đầu với chính phủ được công nhận của Yemen và liên minh các quốc gia vùng Vịnh do Ả Rập Saudi dẫn đầu.

Nhóm thương binh vẫn tham gia lễ duyệt binh của Houthi năm 2023. Ảnh: Getty

Nhóm thương binh vẫn tham gia lễ duyệt binh của Houthi năm 2023. Ảnh: Getty

Tiềm lực quân sự

Chưa có con số chính xác về số tay súng của phong trào Houthi. Theo Guardian, phong trào này có khoảng 20.000 tay súng. Nhưng Ahmed Al-Bahri, một chuyên gia tìm hiểu về Houthi, từng tuyên bố năm 2010 rằng, Houthi có hơn 100.000 tay súng.

Nổi lên từ miền nam Yemen như một lực lượng quân sự lớn mạnh vào những năm 2010, Houthi lật đổ chính phủ do Ả Rập Saudi hậu thuẫn năm 2014 và thu được phần lớn khí tài, vũ khí hiện đại của quân đội Yemen bao gồm tên lửa, xe tăng và vũ khí chiến đấu trên không.

Ngoài ra, theo trang tin Semafor (Mỹ), một số nhà phân tích Trung Đông cho rằng, Houthi có kho tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) phức tạp nhất trong số các nhóm vũ trang được cho là có liên kết với Iran. Điều này có được là do sự hỗ trợ không nhỏ của Tehran.

"Houthi là nhóm vũ trang duy nhất có liên kết với Iran sở hữu cả tên lửa hành trình tấn công trên bộ và tên lửa đạn đạo tầm trung. Họ có được số vũ khí này nhờ sự giúp đỡ từ Tehran", Behnam Ben Taleblu, chuyên gia thuộc tổ chức phi lợi nhuận mang tên Nghiên cứu quốc phòng dân chủ (có trụ sở ở Mỹ), nói.

Thậm chí, một số nhà phân tích người Iran cho rằng, Tehran đã giúp năng lực quân sự của Houthi tiến bộ về một số mặt và vượt xa cả Hezbollah, vốn được nhiều người coi là lực lượng ủy nhiệm tinh vi nhất của Iran.

Kho vũ khí tiên tiến của Houthi được cho là gồm tên lửa đạn đạo Burkan 2-H với tầm bắn gần 1.000km, tên lửa đất đối không SA-2, tên lửa đất đối đất Qaher, UAV Qasef-1…

Houthi khoe sức mạnh quân sự trong buổi duyệt binh ở thủ đô Sanaa vào tháng 9/2023. Ảnh: Reuters

Houthi khoe sức mạnh quân sự trong buổi duyệt binh ở thủ đô Sanaa vào tháng 9/2023. Ảnh: Reuters

Tên lửa đạn đạo xuất hiện trong buổi duyệt binh của Houthi. Ảnh: Reuters

Tên lửa đạn đạo xuất hiện trong buổi duyệt binh của Houthi. Ảnh: Reuters

Katherine Zimmerman, một thành viên của viện chính sách American Enterprise (Mỹ), năm 2022 từng viết về việc một số thiết bị như động cơ UAV và hệ thống GPS được Houthi nhập lậu với sự trợ giúp của Iran. Nhưng hầu hết vũ khí của nhóm vũ trang này được sản xuất tại Yemen. UAV được lắp ráp từ các bộ phận nhập lậu với các phần có sẵn trong nước, kết hợp với công nghệ của Iran. Tên lửa cũng được "chế" để có tầm bắn xa hơn.

Nhưng Elisabeth Kendall, nghiên cứu viên tại Đại học Pembroke (Anh), cho rằng, không nên coi Houthi là lực lượng ủy nhiệm của Iran như mô hình Hezbollah. Ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Theo Kendall, Houthi rất thực dụng. Phong trào này chỉ hành động theo định hướng từ Tehran nếu hoạt động đó có lợi cho họ.

Theo Kendall, tiềm lực quân sự của Houthi được thể hiện từ lâu trước cuộc xung đột Israel - Hamas (2023). Đáng chú ý nhất là cuộc tấn công phối hợp bằng UAV quy mô lớn nhằm vào cơ sở lọc dầu Abqaiq của Ả Rập Saudi vào tháng 9/2019 hay các vụ tấn công vào xe chở dầu và sân bay của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vào tháng 1/2022.

Theo một bài viết trên tờ New York Times năm 2022, để duy trì tiềm lực quân sự, ngoài nguồn tiền viện trợ của các đồng minh nước ngoài, Houthi còn kiếm tiền từ việc thu phí của các doanh nghiệp và người dân địa phương. Ngoài ra, phong trào này còn thu lợi nhuận từ dầu mỏ và viễn thông ở Yemen.Vì sao Houthi mạnh lên qua các cuộc xung đột?

Bậc thầy núi non, chiến thuật linh hoạt

Theo tổ chức tư vấn về chính sách quốc phòng Jamestown Foundation (Mỹ), phong trào Houthi (hay Ansar Allah) là lực lượng được hình thành qua nhiều năm chiến đấu ở một trong số những địa hình hiểm trở nhất thế giới.

Kể từ cuộc chiến đầu tiên với chính phủ Yemen vào năm 2004, các tay súng Houthi đã chứng tỏ họ là chủ nhân thực sự của những ngọn núi và hẻm núi ở Yemen.

Khả năng làm chủ chiến tranh du kích của Houthi giúp lực lượng này từ một tổ chức nhỏ lẻ thành một lực lượng có thể di chuyển ra ngoài các căn cứ trong núi và chiếm giữ phần lớn lãnh thổ Yemen vào năm 2014.

Trong giai đoạn 2004-2010, Houthi đã 6 lần tham gia vào các cuộc chiến tranh kéo dài với chính phủ Yemen. Theo chuyên gia Michael Horton của tổ chức Jamestown Foundation, chính trong các cuộc chiến cam go đó, Houthi đã đoàn kết thành một tổ chức, học cách chiến đấu và giành chiến thắng trước các quân đội chính quy, vốn được đào tạo bài bản và trang bị tốt hơn họ.

Trong cuộc chiến lần thứ 6 và cũng là cuộc chiến cuối cùng chống lại chính phủ Yemen dưới thời Tổng thống Ali Abdullah Saleh, phong trào Houthi phải đối mặt với các binh sĩ được huấn luyện tốt nhất của quân đội Yemen, rút ra từ Lực lượng Vệ binh Cộng hòa và từ các đơn vị chống khủng bố cũng như các đội đặc nhiệm được Mỹ đào tạo. Ngoài ra, Houthi còn là mục tiêu của lực lượng Không quân cũng như một số lượng nhất định các đặc nhiệm Ả Rập Saudi xâm nhập vào Yemen.

Tuy nhiên, phong trào này vẫn không bị lép vế trước các lực lượng của chính phủ Yemen và liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu. Houthi đã bắt giữ một số binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm của Ả Rập Saudi, trong khi đẩy lùi quân đội Yemen về các căn cứ bị bỏ hoang sau cuộc nổi dậy năm 2011.

Có nhiều lý do dẫn đến sự thành công của Houthi, nhưng theo đánh giá của tổ chức tư vấn Jamestown Foundation, lý do đầu tiên là phong trào này hiểu rõ về những ngọn núi nơi họ ẩn náu và chiến đấu.

Binh sĩ Yemen đứng trên một ngọn núi ở tiền tuyến giao tranh với các tay súng Houthi ở khu vực Nihem, gần thủ đô Sanaa năm 2018. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Yemen đứng trên một ngọn núi ở tiền tuyến giao tranh với các tay súng Houthi ở khu vực Nihem, gần thủ đô Sanaa năm 2018. Ảnh: Reuters

Houthi và các bộ lạc vùng núi từ lâu đã nhận ra, những ngọn núi ở Yemen là nơi có thể nhân rộng lực lượng rất hiệu quả. Địa hình vùng núi ủng hộ chiến tranh phòng thủ. Những đế chế từng tấn công Yemen như người Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) hay người Ai Cập đều "nhận được bài học" rằng, khu vực miền núi phía tây bắc Yemen, giống ở Afghanistan, là "mồ chôn" với những kẻ tấn công.

Lý do thứ hai, giới lãnh đạo Houthi nỗ lực xây dựng các mối quan hệ cá nhân và tổ chức với nhiều bộ lạc địa phương. Lý do thứ ba, giới lãnh đạo Houthi hoạt động theo chủ trương đề cao nhân tài. Điều này được cho là hoàn toàn trái ngược với quân đội Yemen, khi chủ nghĩa gia đình trị và bản sắc bộ lạc quyết định phần lớn ai sẽ thăng tiến.

Chính sự kết hợp sự nhạy bén trong chiến đấu và danh tiếng về việc trọng nhân tài, không tham nhũng giúp phong trào Houthi nhanh chóng lấp đầy khoảng trống quyền lực sau cuộc nổi dậy của người dân năm 2011 chống lại chính phủ dưới thời Tổng thống Ali Abdullah Saleh.

Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Ảnh: Reuters

Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Ảnh: Reuters

Ngoài chiếm được cảm tình của người biểu tình phản đối chính phủ Saleh, Houthi còn xây dựng liên minh với các bộ lạc đầy quyền lực ở địa phương.

Để thể hiện rõ hơn chủ nghĩa thực dụng chính trị của phong trào Houthi, vào năm 2014, giới lãnh đạo Houthi đã thành lập liên minh với đối thủ cũ - phe của cựu Tổng thống Saleh. Chiến lược này đã giúp Houthi tiếp quản thủ đô Sanaa nhanh chóng và gần như không đổ máu vào tháng 9/2014. Lý do là bởi phần lớn quân đội Yemen vẫn duy trì lòng trung thành với ông Saleh và các con trai của cựu Tổng thống Yemen.

Về xây dựng lực lượng, kể từ khi lớn mạnh, Houthi phát huy hiệu quả việc chiêu mộ và huấn luyện lực lượng để đối đầu với chính phủ Yemen và liên minh vùng Vịnh. Nhóm vũ trang này viện dẫn cái chết của một số thành viên trong giới lãnh đạo Houthi, chỉ ra bản chất được nước ngoài hậu thuẫn của chính phủ Yemen và việc binh sĩ miền nam Yemen xuất hiện ở miền bắc Yemen để "nhắm" vào các động lực văn hóa, phục vụ mục đích chiêu mộ quân.

Việc kết hợp giữa tuyên truyền, đe dọa và hỗ trợ vật chất giúp phong trào Houthi có nguồn cung dồi dào về nhân lực trên 10 chiến trường lớn trong nhiều năm xung đột ở Yemen.

Houthi còn giỏi trong việc loại bỏ các dấu hiệu có thể làm lộ vị trí, như kiểm soát khói xe hay hạn chế sử dụng các phương tiện liên lạc điện tử. Các tay súng Houthi còn được cho là có thể bất động dưới lớp ngụy trang trong thời gian dài tại các địa điểm ẩn náu, cho thấy tính kỷ luật cao. Để giảm thiểu việc di chuyển, Houthi luôn chuẩn bị nhiều đạn dược, lương thực, nước uống ở các vị trí đồn bốt.

Một cách khác để tránh bị tấn công từ trên không được Houthi áp dụng là phân tán và di chuyển mang tính chiến thuật để đối phương không phân biệt được hoạt động quân sự và dân sự.

Một sĩ quan liên quân vùng Vịnh từng chia sẻ: "Houthi rất giỏi trong việc đối phó với các mối đe dọa từ trên không bằng việc di chuyển chiến thuật, phân tán và trà trộn vào dân thường".

Trong giai đoạn 2004-2009, Houthi hoạt động theo các nhóm chiến đấu với quy mô trung đội và đại đội. Nhưng kể từ sau đó, phong trào này chia ra thành các nhóm nhỏ không quá 3 đến 5 tay súng. Các binh sĩ khi di chuyển sẽ không mang theo vũ khí. Điều này gây khó khăn cho đối phương của Houthi trong việc xác định dân thường và các tay súng.

Ngoài ra, các tay súng Houthi còn được cho là sử dụng các chất kích thích để tăng sự máu lửa khi chiến đấu. Một binh sĩ Yemen chia sẻ: "Các tay súng Houthi uống một viên thuốc nào đó để cầm máu. Sau đó, họ uống thêm một viên nữa để điên cuồng hơn khi chiến đấu". Ngoài các loại thuốc kích thích, các tay súng Houthi và cả binh sĩ quân đội Yemen đều sử dụng một loại lá mà nhiều người xem là "thần dược" giúp hưng phấn cao độ.

Chiến lược bất hợp lý của Ả Rập Saudi

Quân đội Ả Rập Saudi. Ảnh: Saudi Times

Quân đội Ả Rập Saudi. Ảnh: Saudi Times

Với tư cách là một phong trào của người Hồi giáo Zaidi Shia (một nhánh của Hồi giáo Shia), sự trỗi dậy của Houthi gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Ả Rập Saudi, nơi có phần lớn dân số Hồi giáo theo dòng Sunni. Người Ả Rập Saudi xem Houthi là lực lượng ủy nhiệm của Iran, một đối thủ khác của Ả Rập Saudi. Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation, trên thực tế, Iran có rất ít ảnh hưởng tới Houthi, phong trào nhiều lần tỏ ra không xem trọng lời khuyên của Iran, bao gồm cả cảnh báo của Tehran về việc kiểm soát thủ đô của Yemen.

Việc Houthi coi thường chính phủ không được lòng dân ở Yemen và tiến về phía nam Yemen năm 2015 đã châm ngòi cho hành động can thiệp của liên minh vùng Vịnh do Ả Rập Saudi dẫn đầu vào tháng 3 cùng năm. Đây cũng là khởi điểm cho một cuộc chiến mà tổ chức Jamestown Foundation đánh giá là “không thể thắng” dành cho liên minh vùng Vịnh.

Chiến lược của Ả Rập Saudi khi can thiệp vào Yemen gồm 3 mũi nhọn. Thứ nhất, liên minh do nước này dẫn đầu tổ chức không kích vào các địa điểm quân sự của Houthi. Thứ hai, Ả Rập Saudi phong tỏa trên biển và trên không ở tây bắc Yemen, nhằm ngăn chặn nguồn viện trợ cho Houthi. Cuối cùng, Ả Rập Saudi và các đồng minh huấn luyện và trang bị vũ khí cho một nhóm dân quân bao gồm những người ly khai ở miền nam, binh sĩ trung thành với chính phủ Yemen và thành viên của một số bộ lạc. Nhóm dân quân này được sử dụng như một lực lượng ủy nhiệm của Ả Rập Saudi trong cuộc chiến trên bộ với phong trào Houthi.

Dù chiến dịch không kích có rủi ro thấp với liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu nhưng nó không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Phong trào Houthi có nhiều kinh nghiệm đối phó với không kích. Họ biết cách lợi dụng địa hình vùng núi hiểm trở để cất giấu trang thiết bị và biết cách đối phó với khả năng do thám trên không của đối phương. Thậm chí, các cuộc không kích đôi khi còn phản tác dụng. Trong một lần không kích ở Yemen vào tháng 10/2016, liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu thừa nhận đã ném bom trúng một đám tang ở thủ đô Sanaa, khiến 140 người thiệt mạng. Vụ việc càng khiến nhiều người dân Yemen ủng hộ Houthi hơn.

Các biện pháp trừng phạt và phong tỏa hải quân cũng tỏ ra không hiệu quả trong việc ngăn cản Houthi tiếp cận nguồn viện trợ. Các lệnh trừng phạt gây ra tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân Yemen, nơi nhập khẩu 90% lương thực và hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vật tư y tế.

Việc sử dụng lực lượng ủy nhiệm địa phương để đối phó với phong trào Houthi cũng không đem lại hiệu quả như mong muốn. Thành phần của lực lượng ủy nhiệm quá phức tạp, dẫn đến khó thống nhất và bảo mật thông tin trong chiến đấu.

Nguồn gốc của Houthi
Houthis, một nhóm dân quân ở miền nam Yemen, được đặt theo tên người sáng lập phong trào, Hussein Badreddin al-Houthi, và đại diện cho nhánh Zaidi của Hồi giáo Shia.
Phong trào này nổi lên vào thập niên 90 để phản đối ảnh hưởng tôn giáo của Ả Rập Saudi (chủ yếu theo Hồi giáo Sunni) ở Yemen. Nhóm này có khoảng 20.000 đến hàng trăm nghìn tay súng, kiểm soát hầu hết phía tây Yemen và đường bờ biển Yemen ở Biển Đỏ.
Ali Abdullah Saleh thống nhất 2 miền nam, bắc Yemen năm 1990 dưới sự hỗ trợ của Ả Rập Saudi và giữ chức Tổng thống Yemen. Chính quyền Saleh coi Houthi là một mối đe dọa khi Houthi ngày càng phát triển và có lời lẽ chống đối chính phủ Yemen. Căng thẳng giữa 2 bên lên đến đỉnh điểm vào năm 2003, khi ông Saleh ủng hộ Mỹ đưa quân vào Iraq, điều mà nhiều người Yemen phản đối.
Nhận thấy cơ hội, al-Houthi lợi dụng sự phẫn nộ của công chúng để kêu gọi biểu tình. Sau nhiều tháng hỗn loạn, ông Saleh ra lệnh bắt giữ người sáng lập Houthi.
Al-Houthi thiệt mạng dưới tay quân đội Yemen năm 2004, nhưng phong trào Houthi không bị xóa bỏ. Trái lại, lực lượng quân sự của Houthi ngày càng lớn mạnh. Được khuyến khích bởi các cuộc biểu tình của "Mùa xuân Ả Rập" năm 2011, Houthi nắm kiểm soát tỉnh Saada ở phía bắc Yemen, đồng thời kêu gọi chấm dứt chính quyền Saleh.
Năm 2011, sau khi quân đội Yemen nhận nhiều thất bại, ông Saleh từ chức và trao lại vị trí Tổng thống Yemen cho Phó Tổng thống AbdRabbu Mansour Hadi, nhưng chính phủ Yemen khi đó không còn được lòng dân. Năm 2014, Houthi tấn công và kiểm soát thủ đô Sanaa, trước khi tấn công dinh tổng thống vào đầu năm sau.
Ông Hadi trốn sang Ả Rập Saudi và kêu gọi nước này phát động cuộc chiến chống Houthi. Tháng 3/2015, Ả Rập Saudi dẫn đầu liên minh 10 nước vùng Vịnh can thiệp vào nội chiến ở Yemen. Chiến dịch của liên minh vùng Vịnh tưởng sẽ nhanh chóng kết thúc trong vài tháng nhưng thực tế lại kéo dài 7 năm. Lệnh ngừng bắn cuối cùng được ký kết năm 2022, kéo dài 6 tháng. Tuy hết thời hạn, nhưng các bên liên quan chưa trở lại xung đột toàn diện.
Liên Hợp Quốc (UN) tuyên bố, cuộc chiến ở Yemen trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo tệ nhất thế giới. Theo thống kê của UN, gần 1/4 triệu người đã thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm ở Yemen.
Theo CNN, kể từ khi ngừng bắn, Houthi đã củng cố quyền kiểm soát với hầu hết miền bắc Yemen. Phong trào này cũng đang thảo luận với Ả Rập Saudi để tìm kiếm một thỏa thuận nhằm kết thúc vĩnh viễn chiến tranh và củng cố vai trò kiểm soát Yemen.

-------------------

Trong thời điểm Yemen hỗn loạn vì nội chiến, các tay súng Houthi và binh sĩ quân đội Yemen mỗi chiều vẫn phải gác súng, tạm đình chiến để nhai một loại lá. Không chỉ các tay súng và binh sĩ, mà phần lớn người dân Yemen cũng làm như vậy. Mời độc giả cùng tìm hiểu về loại lá mà nhiều người Yemen xem là "thần dược" ở bài kỳ tới, đăng lúc 10h ngày 21/1/2024.

XEM THÊM CÁC KỲ

1

Bài liên quan
Houthi hạ UAV MQ-9 Reaper giá 30 triệu USD của Mỹ
Lực lượng Houthi ở Yemen thông báo bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ trên bầu trời Yemen, đánh dấu chiếc thứ ba loại này rơi tại khu vực kể từ cuối năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Houthi và những cuộc giao tranh khiến Mỹ, Ả Rập Saudi phải dè chừng