Lập trường của Hungary thậm chí còn cứng rắn hơn khi Thủ tướng nước này Viktor Orban tuyên bố, Brussels lẽ ra phải học được một bài học từ hậu quả của các lệnh trừng phạt trước đó: “Theo quan điểm của Hungary, nếu bạn làm điều gì đó 10 lần, chẳng hạn như đưa ra các gói trừng phạt và đều không thành công, thì việc làm điều đó 11 lần là không hợp lý. Điều này là đi ngược lại với lẽ thường và vì vậy chính sách trừng phạt của EU theo cách hiểu của chúng tôi đơn giản là không hiệu quả”.
Căng thẳng giữa các nước thành viên leo thang đến đỉnh điểm khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hồi tuần này công khai chỉ trích lập trường của Hungary.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ liên quan tới danh sách “các nhà tài trợ chiến tranh” của Ukraine, mà còn là những chia rẽ vẫn luôn âm ỉ giữa các nước thành viên. Dù gia nhập EU từ năm 2004, song Hungary từ lâu vẫn luôn cảm thấy “bị phân biệt đối xử” và duy trì mối quan hệ khá gần gũi với Nga.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban thường xuyên chỉ trích các biện pháp trừng phạt Nga tàn phá nền kinh tế đất nước, chủ trương thúc đẩy miễn trừ lệnh cấm vận của EU đối với dầu của Nga, phản đối áp giá trần lên khí đốt Nga hay tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.
Trong khi đó, những quốc gia thành viên như Hy Lạp, Cộng hoà Síp và Malta cũng ngày càng cảm thấy các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga là một gánh nặng.
Từ câu chuyện của Hungary, Hy Lạp, có thể thấy là nội bộ EU vẫn còn có nhiều bất đồng trong việc giải quyết quan hệ với Nga và Ukraine. Nếu vấn đề không được giải quyết, đây có thể là bước đầu tiên dẫn đến sự tan vỡ đoàn kết của EU.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Joseph Borrell đã buộc phải đứng ra làm trung gian khi cam kết sẽ giải quyết những khác biệt liên quan tới vấn đề Ukraine. Một số nhà ngoại giao cho biết, ông Joseph đang tích cực làm việc với Ukraine và các bên liên quan nhằm tìm ra giải pháp./.