Hướng dẫn học sinh kỹ năng ứng phó với động đất nhân dịp khai trường

Dung Nguyễn | 05/09/2022, 14:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhân dịp khai giảng năm học mới, Trường PTDT BT THCS xã Đăk Tăng hướng dẫn học sinh kỹ năng ứng phó với động đất. Từ đó giúp các em linh động xử lý tình huống, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Khai giảng ở vùng động đất

Ngày 5/9, hoà chung không khí hân hoan của cả nước, 162 học sinh Trường PTDT BT THCS xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, Kon Tum) rạng rỡ đi khai trường.

Từng nhóm học sinh với bộ trang phục truyền thống, cùng cồng chiêng hân hoan chào đón năm học mới.

A Duy Thảo, học sinh lớp 7 phấn khởi chia sẻ: Sau 2 năm học tập trong điều kiện dịch bệnh, năm học 2022-2023 em cùng các bạn được khai giảng và học tập trực tiếp. “Em rất vui khi được khai giảng trực tiếp với thầy cô và các bạn, hạnh phúc khi được mặc bộ đồ truyền thống của dân tộc mình, cầm cờ đỏ sao vàng hát vang bài Quốc ca” - A Duy Thảo tâm sự.

Cũng nhân dịp khai giảng năm học mới, Trường PTDT BT THCS xã Đăk Tăng đã tổ chức trồng cây xanh. Qua đó, giáo dục học sinh phải biết yêu thiên nhiên, gìn giữ và bảo vệ rừng.

Hướng dẫn học sinh kỹ năng ứng phó với động đất nhân dịp khai trường ảnh 1
Nhà trường trồng cây xanh nhằm giáo dục học sinh phải biết yêu thiên nhiên, gìn giữ và bảo vệ rừng.

Hướng dẫn kỹ năng ứng phó với động đất

Là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi động đất, nhân dịp khai giảng thầy, cô Trường PTDT BT THCS xã Đăk Tăng cũng giáo dục cho học sinh những phương án để ứng phó với động đất.

Cô Nguyễn Thị Tú, giáo viên nhà trường cho hay, gần 2 năm qua, trên địa bàn liên tục xảy ra các trận động đất với cường độ ngày càng lớn. Trong đó, có 2 trận động đất có lớn 4,5-4,7 độ richter khiến nhà cửa, đồ dùng bị rung chuyển. Động đất liên tục xảy ra cũng khiến thầy và trò lo lắng.

Hướng dẫn học sinh kỹ năng ứng phó với động đất nhân dịp khai trường ảnh 2
Giáo viên hướng dẫn học sinh kỹ năng ứng phó với động đất.

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, trong năm 2022 tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) đã xảy ra hàng trăm trận động đất. Cụ thể các trận động đất có cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1, có độ lớn chủ yếu dưới 4.0.

Riêng trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 54 phút, ngày 14/4 có độ lớn 4.5. Bên cạnh đó trận động đất vào lúc 14 giờ 8 phút ngày 23/8 có độ lớn 4.7 tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km là cao nhất từ trước tới nay.

“Chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân, giáo viên cách ứng phó với động đất. Chính vì vậy, ngay tại trường học chúng tôi chỉ dạy lại cho học sinh kỹ năng ứng phó, ẩn nấp khi xảy ra sự cố bất ngờ. Từ đó giúp các em yên tâm hơn khi học tập và ăn ở tại trường”, cô Tú tâm sự.

Em A Diệm (học sinh lớp 9) chia sẻ, trong các buổi hoạt động ngoại khoá, thầy cô hướng dẫn cho em kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra. Theo đó, khi em đang học tập hoặc ngủ mà thấy nhà rung lắc thì ngay lập tức phải tìm nơi ẩn nấp. Bên cạnh đó, tránh xa những khu vực có nhiều vật dụng, đồ đạc để hạn chế thương tích khi động đất mạnh.

“Nếu bị mắc kẹt không thể tự thoát ra ngoài trong lúc xảy ra động đất thì thầy, cô hướng dẫn chúng em la lớn để nhờ sự trợ giúp. Không những vậy, khi động đất đi qua nếu thấy có người bị thương phải nhờ sự hỗ trợ từ người lớn”, em A Diệm tâm sự.

Ông Nguyễn Minh Cường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Plông cho biết, mặc dù chưa có văn bản về việc ứng phó với động đất trong trường học. Tuy nhiên, dựa vào hướng dẫn của chính quyền các cấp, ngành Giáo dục địa phương đã chỉ đạo các trường chủ động truyền đạt lại cho học sinh những kỹ năng ứng phó khi gặp động đất.

Năm học 2022-2023, Kon Tum có 361 trường mầm non và phổ thông với tổng cộng 166.080 học sinh, trong đó có 96.006 em là người dân tộc thiểu số.

Để đảm bảo điều kiện cho thầy – trò trong năm học mới, ngành Giáo dục đã chủ động sắp xếp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch bổ sung, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng.

Mong muốn học sinh đủ SGK khi đến trường, hàng năm từ nguồn cung ứng dịch vụ môi trường rừng, ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum có hơn 75.000 học sinh phổ thông được trang bị vở cho năm học mới. Đồng thời vừa qua địa phương cũng vận động, kết nối và phối hợp với Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tổ chức tặng 3.000 bộ sách giáo khoa, 20.000 quyển vở cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 200 triệu đồng cho các trường trên địa bàn các xã Mường Hoong, Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei.

Bài liên quan
Nhiều núi đá ở Hòa Bình sạt lở do ảnh hưởng động đất
Do ảnh hưởng của trận động đất sáng ngày 25/3 tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, nhiều núi đá tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) bị sạt lở gây thiệt hại nhiều về gia súc, hoa màu, tài sản của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng dẫn học sinh kỹ năng ứng phó với động đất nhân dịp khai trường