Bà Phan Thị Hồng Dung (phải) và ông Nguyễn Văn An cùng bàn về năng lực tự hướng nghiệp của học sinh. |
Bà Phan Thị Hồng Dung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý giáo dục, Chủ tịch Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới; ông Nguyễn Văn An, Co-founder Chủ tịch Dự án Sách và Hành động đã cùng bàn luận đến năng lực “tự hướng nghiệp”. Hai vị diễn giả khuyên các Gen Z hãy nói lên được “nhu cầu của bản thân, điểm mạnh của bản thân, hiểu về yêu cầu của xã hội và những quy tắc của cuộc sống” để tìm thấy con đường nghề nghiệp của mình.
Bà Hồng Dung cũng thông tin thêm, Dự án Tam giác hướng nghiệp hiệu quả muốn tạo ra "1 thước phim quay nhanh" để cho các em nhìn thấy yêu cầu của tương lai trong đào tạo, trong lao động doanh nghiệp. Đó là làm tốt sự chuẩn bị, tạo ra sự cộng hưởng từ các thành tố trong hướng nghiệp để tạo ra những thành công thực tế.
Các đại biểu chính thức thực hiện nghi thức khởi động Dự án Tam giác hướng nghiệp hiệu quả giai đoạn 2. |
Chia sẻ sau hội thảo, em Đặng Tiến Đạt - học sinh lớp 11V Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) cho biết: “Em rất vui và cảm thấy đây chính là lúc chúng em - thế hệ Gen Z nhận ra mình không thể chỉ ngồi im và quan sát xem tương lai gửi đến mình điều gì mà phải 'dậy mà đi'. Tức là tìm hiểu con đường của mình, tìm ra lối đi phù hợp nhất với tiếng nói lương tâm bên trong và nền tảng của mình sẵn có”.
Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới đã nhận được sự hưởng ứng tham gia Dự án Tam giác hướng nghiệp năm thứ 2 từ 26 Trường THPT trên địa bàn các tỉnh/thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Nam Định... Các ngành/nghề được dự án hỗ trợ cho các trường năm nay bao gồm: Công nghệ sinh học, Hóa học; Công nghệ Thông tin; Cơ khí - Cơ điện tử; Điện - Điện tử; Kỹ thuật môi trường, Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; Quản trị kinh doanh; Quản trị nhà hàng khách sạn.
Tiếp tục thành công của giai đoạn 1, với mô hình triển khai hướng nghiệp thông qua dự án học tập, học sinh được làm dự án với sự hỗ trợ của Nhà khoa học ở trường Đại học và trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2, Dự án Tam giác hướng nghiệp hiệu quả sẽ có 26 trường THPT ở khu vực miền Bắc, với có sự đồng hành của các nhà tài trợ: Qualcomm Việt Nam, Panasonic Việt Nam, Công ty cổ phần PhenikaaX; Trường Đại học Phenikaa, Khoa các khoa học Liên ngành – ĐHQG Hà Nội.